Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Vận đơn đường biển (Bill of Lading - B/L) là gì?

Vận đơn đường biển, viết tắt là B/L (Bill of lading) là chứng từ sử dụng trong hoạt động chuyên chở hàng hoá đường biển do đơn vị vận chuyển hàng hóa (carrier/shipping lines) phát hành cho người gửi hàng (sender of the goods). Trong nội dung vận đơn, đơn vị vận chuyển xác nhận đã nhận một số hàng nhất định (với các thông tin chi tiết bao gồm khối lượng, số lượng, chất lượng,...) để vận chuyển bằng tàu biển và cam kết giao số hàng đó cho người có quyền nhận hàng tại cảng đích (receiver of the goods) với chất lượng và số lượng chính xác như trong vận đơn đã ký.
1. Khái niệm vận đơn đường biển (B/L)
Vận đơn đường biển, viết tắt là B/L (Bill of lading) là chứng từ sử dụng trong hoạt động chuyên chở hàng hoá đường biển do đơn vị vận chuyển hàng hóa (carrier/shipping lines) phát hành cho người gửi hàng (sender of the goods). Trong nội dung vận đơn, đơn vị vận chuyển xác nhận đã nhận một số hàng nhất định (với các thông tin chi tiết bao gồm khối lượng, số lượng, chất lượng,...) để vận chuyển bằng tàu biển và cam kết giao số hàng đó cho người có quyền nhận hàng tại cảng đích (receiver of the goods) với chất lượng và số lượng chính xác như trong vận đơn đã ký.
2. Phân loại vận đơn đường biển (B/L)
Có nhiều cách phân loại vận đơn đường biển, trong đó có một số cách phân loại chính:
Căn cứ tình trạng xếp dỡ của hàng hóa, có 2 loại:
Vận đơn đã xếp hàng ( Shipped on Board B/L ): là loại vận đơn do người chuyên chở hoặc đại diện người chuyên chở cấp khi hàng hóa đã xếp lên tàu.
Vận đơn nhận để chờ xếp ( Received for Shipment B/L ): là vận đơn phát hành sau khi người chuyên chở nhận hàng và cam kết sẽ chuyên chở hàng hóa bằng chính con tàu đã ghi trên vận đơn
Căn cứ và khả năng gửi/nhận của hàng hóa, có 3 loại:
Vận đơn đích danh (straight B/L): là vận đơn mà trên đó ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận hàng. Vận đơn đích danh không thể chuyển cho một đối tượng khác so với đối tượng đã ghi ban đầu.
Vận đơn theo yêu cầu (order B/L): là vận đơn không được chuyển trực tiếp cho người nhận hàng mà chỉ được vận chuyển khi có yêu cầu hoặc xác nhận của một cá nhân hoặc đơn vị quản lý tài sản đó chẳng hạn như ngân hàng hoặc doanh nghiệp.
Vận đơn vô danh ( Vận đơn xuất trình/ Vận đơn cho người cầm – to bearer B/L): là vận đơn trên đó không ghi tên và địa chỉ người nhận hàng và cũng không ghi là hàng hóa này được vận chuyển theo lệnh của ai. Nghĩa là ai cầm vận đơn này đều có thể là chủ sở hữu hợp pháp của hàng hóa có thông tin trong đó và có thể tùy ý gửi nhận theo ý muốn của mình.
Căn cứ vào phê chú (ghi chú và phê duyệt tình trạng hàng hóa), có 2 loại:
Vận đơn hoàn hảo (Clean B/L): là vận đơn không có phê chú xấu của thuyền trưởng tức là số lượng và tình trạng hàng hóa ở mức tốt hoặc nguyên vẹn so với lúc giao, không có thiệt hại mất mát gì trong quá trình vận chuyển.
Vận đơn không hoàn hảo (Unclean B/L): là vận đơn trên đó có phê chú xấu của thuyền trưởng về số lượng và tình trạng hàng hóa sau khi giao, có hư hại hoặc thất lạc hàng hóa trong quá trình vận chuyển
Căn cứ vào hành trình vận chuyển của hàng hóa, có 3 loại:
Vận đơn đi thẳng (Direct B/L): là vận đơn được phát hành khi hành trình của hàng hóa không phải qua khâu trung chuyển dọc đường, tức là hàng hóa được chuyên chở từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng bằng một con tàu.
Vận đơn chở suốt (Through B/L): là vận đơn được phát hành khi hàng hóa có chuyển tải ở dọc đường (chở suốt/chở qua nhiều chặng), tức là hàng hóa được chuyên chở từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng cuối cùng bằng hai hay nhiều con tàu, của hai hay nhiều người chuyên chở.
Vận đơn đa phương thức (Multimodal Transport B/L / Combined Transport B/L): là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được chuyên chở từ nơi đi đến nơi đến bằng hai hay nhiều phương thức vận tải khác nhau chẳng hạn như kết hợp thủy, bộ, hàng không,....
Căn cứ theo nhà phát hành: 2 loại
Master B/L (Vận đơn chủ): Do hãng tàu thực hiện vận chuyển phát hành cho thuyền trưởng để làm chứng từ bàn giao trách nhiệm hàng hóa khi đã đưa lên tàu để vận chuyển.
House B/L (Vận đơn thứ cấp): Do đơn vị giao nhận vận chuyển (không phải hãng tàu) phát hành cho thuyền trưởng hoặc hãng tàu để làm chứng từ bàn giao trách nhiệm hàng hóa khi đưa lên tàu. Sở dĩ có vận đơn chủ và vận đơn thứ cấp là vì vận đơn chủ sẽ là vận đơn thể hiện trách nhiệm chính của hãng tàu đối với việc vận chuyển hàng. Còn vận đơn thứ cấp do các đơn vị giao nhận vận chuyển ký và nó chỉ đóng vai trò chứng từ bổ sung vì đơn vị giao nhận không chịu trách nhiệm chính trong quá trình chuyển hàng.
Căn cứ vào phương thức thuê tàu chuyên chở
Liner bill of lading/Liner B/L: Vận đơn bằng hình thức tàu chợ, tức là những tàu vận chuyển công cộng và thường đến/đi theo đúng một lịch trình nhất định, đem theo hàng hóa của nhiều đơn vị khác nhau.
Voyage bill of lading/Voyage Charter B/L/ Container bill of lading: Vận đơn tàu chuyến/ vận đơn container tức là những tàu được chúng ta thuê riêng để phục vụ cho chuyến vận chuyển hàng của mình. Thời gian địa điểm và vị trí nhận hàng cũng sẽ chi tiết hơn, giống như một hợp đồng dịch vụ vận chuyển vậy.
Vận đơn đường biển (B/L) là một loại giấy tờ quan trọng trong xác nhận chủ sở hữu hàng hóa, thông quan tại các điểm kiểm tra, cửa cảng, hợp đồng pháp lý để xác định nghĩa vụ giao nhận hàng hóa và trách nhiệm của các bên nên nếu làm mất nó bạn sẽ rất khó khăn trong việc xác thực đối với hàng hóa cần nhận cũng như giải quyết các tranh chấp trong quá trình vận chuyển hàng hóa
3. Chức năng của vận đơn đường biển
Thứ nhất: vận đơn là đóng vai trò bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận lên tàu số hàng hoá với số lượng, chủng loại, tình trạng như ghi rõ trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng”.Thực hiện chức năng này, vận đơn là biên lai nhận hàng của người chuyên chở cấp cho người xếp hàng. Nếu không có ghi chú gì trên vận đơn thì những hàng hoá ghi trong đó đương nhiên được thừa nhận có “Tình trạng bên ngoài thích hợp” (In apparent good order and condition).
Thứ hai: vận đơn gốc đóng vai trò là chứng từ có giá trị, dùng để xác nhận quyền sở hữu hàng hoá ghi trong vận đơn. Vì vậy, vận đơn có thể mua bán, chuyển nhượng được. Việc mua bán, chuyển nhượng có thể được thực hiện nhiều lần trước khi hàng hoá được giao. Cứ mỗi lần chuyển nhượng như vậy, người cầm vận đơn gốc trong tay là chủ của hàng hoá ghi trong vận đơn, có quyền đòi người chuyên chở giao hàng cho mình theo điều kiện đã quy định trong vận đơn tại cảng đến.
Thứ ba: vận đơn đường biển là bằng chứng xác nhận hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng đường biển đã được ký kết.
*Trong trường hợp thuê tàu chuyến, trước khi cấp vận đơn đường biển, người thuê tàu và người cho thuê tàu đã ký kết với nhau một hợp đồng thuê tàu chuyến (charter party). Khi hàng hoá được xếp hay được nhận để xếp lên tàu, người chuyên chở cấp cho người gửi hàng vận đơn đường biển. Vận đơn được cấp xác nhận hợp đồng vận tải đã được ký kết.
Trong trường hợp thuê tàu chợ, thì bên gửi hàng sẽ không có sự ký kết trước một hợp đồng thuê tàu như thuê tàu chuyến mà chỉ có sự cam kết (từ phía tàu hay người chuyên chở) sẽ dành chỗ xếp hàng cho người thuê tàu. Sự cam kết này được ghi thành một văn bản, gọi là giấy lưu cước (booking note). Vậy vận đơn được cấp này là bằng chứng duy nhất xác nhận hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã được ký kết. Nội dung của vận đơn là cơ sở pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp xảy ra sau này giữa người phát hành và người cầm giữ vận đơn.
4. Các nội dung chính trên vận đơn
Shipper: Người gửi hàng kèm địa chỉ và liên hệ
Shipping Company: Công ty vận tải biển (hãng tàu)
Consignee: Người có quyền nhận hàng hóa kèm địa chỉ và liên hệ
Notify Party: Bên được thông báo
Booking No: Số booking
Vessel/Voyage No = Mother vessel/ Voyage no. = MV/ VOY No = Carriage by/Voyage No.: Tên tàu/ số hiệu tàu
Port of Loading: Cảng bốc hàng lên tàu.
Port of Discharge: Cảng dỡ hàng.
Pre-carriage by: Tên và số hiệu vận chuyển của phương tiện chủ hàng thuê hãng tàu vận chuyển container từ xưởng nhà sản xuất tại nước xuất khẩu ra cảng
Place of receipt = Place of pick-up: Địa điểm pick-up hàng nếu có vận chuyển nội địa
On Carriage: Tên và số hiệu vận chuyển của phương tiện chủ hàng thuê hãng tàu vận chuyển container từ cảng tại nước nhập khẩu về kho của nhà nhập khẩu
Place of delivery = Final Destination: Địa điểm trả hàng cuối cùng. Trong trường hợp có vận chuyển nội địa, thì phải ghi giao hàng đến đâu.
Container No.: Số container
Seal No.: Số chì
Number of Container or Package: Số lượng và loại container hoặc kiện hàng
Type of move: Phương thức vận chuyển.
Number of packages: Số kiện hàng.
Description of Packages & Goods = Description of Goods = Cargo Description: Mô tả hàng hóa.
Gross Weight: Trọng lượng bao gồm cả bao bì.
Net Weight: Trọng lượng tịnh.
Measurement: Tổng thể tích lô hàng
Freight Collect/ Freight Prepaid: Cước trả sau/ Cước trả trước
Freight payable at: Nơi mà cước được trả
Place & Date of Issue: Nơi và ngày phát hành vận đơn
Laden on board date: Ngày xếp hàng lên tàu
Shipped on board date: Ngày tàu chạy
5. Cơ sở pháp lý của vận đơn
Đây là quy định về bộ luật vận chuyển hàng hải chính điều chỉnh các điều khoản của vận đơn cũng như giải quyết sự tranh chấp giữa chủ hàng và người vận tải. Nguồn luật này, ngoài luật pháp của quốc gia đó còn có cả các công ước quốc tế có liên quan như qui tắc La Haye và công ước Brussel 25/8/1924, Nghị định thư Visby 1968 hoặc công ước Hamburg 1978 về vận đơn đường biển.