top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Trái Phiếu (Bonds) là gì?

Trái Phiếu (Bonds) là gì?

Trái phiếu là giấy chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành buộc phải trả cho người sở hữu trái phiếu với một khoản tiền cụ thể. Tổ chức phát hành có thể là: chính phủ, thành phố trực thuộc trung ương, các công ty, tập đoàn. Mua trái phiếu có nghĩa là bạn nắm giữ một phần nợ của tổ chức đó và được quyền nhận các khoản thanh toán lãi suất định kỳ và mệnh giá gốc của trái phiếu khi nó đáo hạn. Người nắm giữ trái phiếu gọi là trái chủ.

Có 4 cách để phân loại trái phiếu:


1. Phân loại theo chủ thể phát hành


- Trái phiếu Chính phủ: Chính phủ phát hành trái phiếu để huy động tiền nhàn rỗi trong dân và các tổ chức kinh tế, xã hội. Chính phủ luôn được coi là Nhà phát hành có uy tín nhất trên thị trường. Vì vậy, Trái phiếu Chính phủ được coi là loại chứng khoán có ít rủi ro nhất (Ví dụ: Trái phiếu Kho bạc và Công trái xây dựng Tổ quốc)

- Trái phiếu doanh nghiệp: là những trái phiếu do doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn phát hành để tăng vốn hoạt động. Trái phiếu doanh nghiệp có nhiều loại và rất đa dạng.


2. Phân loại theo phương thức đảm bảo


- Trái phiếu có đảm bảo: loại trái phiếu mà người phát hành dùng một tài sản có giá trị làm vật đảm bảo cho việc phát hành. Khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán, thì trái chủ có quyền thu và bán tài sản đó để thu hồi lại số tiền người phát hành còn nợ.

- Trái phiếu không có đảm bảo: loại trái phiếu phát hành không có tài sản làm vật bảo đảm mà chỉ bảo đảm bằng uy tín của người phát hành.


3. Phân loại theo các điều kiện kèm theo


- Trái phiếu chuyển đổi (convertible bond): trái phiếu của công ty cổ phần mà trái chủ được quyền chuyển đổi sang cổ phiếu của công ty đó theo một tỷ lệ (ví dụ: 1 trái phiếu đổi 100 cổ phiếu) trong một khoảng thời gian nhất định, được quy định trong hợp đồng mua trái phiếu.

- Trái phiếu có thể mua lại (callable bond): loại trái phiếu cho phép nhà phát hành được quyền mua lại một phần hay toàn bộ số trái phiếu đã phát hành trước khi trái phiếu đến hạn thanh toán.

- Trái phiếu có thể bán lại (putable bond): trái phiếu trong đó trái chủ có quyền bán lại cho tổ chức phát hành với mức giá nhất định được thỏa thuận từ đầu trước khi trái phiếu đến hạn thanh toán.


4. Phân loại theo hình thức trái phiếu


- Trái phiếu vô danh: là trái phiếu sẽ trả gốc và lãi cho bất kỳ ai đang nắm giữ, kể cả người đó không phải có tên trên danh sách thanh toán trái phiếu của doanh nghiệp phát hành. Do đó, trái chủ sau khi mua có thể tự do bán lại trái phiếu này cho người khác.

- Trái phiếu ghi danh: Là loại trái phiếu có ghi rõ tên tuổi của người mua trong sổ sách của doanh nghiệp phát hành. Loại chứng khoán này hạn chế trái chủ chuyển nhượng cho người khác, thể hiện mối ràng buộc chặt chẽ giữa người trái chủ và người phát hành.


Có 2 hình thức để mua trái phiếu đó là:


1. Mua trực tiếp tại đơn vị phát hành trái phiếu: Có thể là ngân hàng, tại Kho bạc nếu là trái phiếu chính phủ, tại trụ sở của doanh nghiệp phát hành.


2. Mua qua sàn giao dịch chứng khoán: Các doanh nghiệp sẽ phát hành trái phiếu thông qua đơn vị trung gian như công ty chứng khoán, ngân hàng, …

Lợi nhuận trái phiếu đến từ việc:

  • Hưởng chênh lệch giá (giữa giá lúc mua và giá bán lại trái phiếu)

  • Hưởng lợi tức định kỳ (theo lãi suất được ghi trên trái phiếu)


Vậy trái phiếu khác gì cổ phiếu?


Giống nhau:

  • Đều là công cụ đầu tư đối với chủ đầu tư

  • Đều là phương tiện huy động vốn đối với công ty phát hành

Khác nhau:


1. Chủ thể phát hành


Trái phiếu:

  • Bộ Tài chính, doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của nhà nước và tổ chức tài chính, tín dụng được chính phủ bảo lãnh

  • Công ty cổ phần, Công ty TNHH

Cổ phiếu:

  • Công ty cổ phần


2. Quyền của chủ sở hữu


Trái phiếu:

  • Người sở hữu trái phiếu được trả lãi định kỳ, lãi suất ổn định.

Cổ phiếu:

  •  Người sở hữu cổ phiếu của công ty cổ phần trở thành cổ đông và tùy thuộc vào loại cổ phần họ nắm giữ, có những quyền khác nhau trong công ty.

  • Được chia lợi nhuận (hay còn gọi là cổ tức), tuy nhiên lợi nhuận này không ổn định mà phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.

  • Có quyền tham gia vào việc quản lý và điều hành hoạt động của công ty, tham gia biểu quyết các vấn đề của công ty (Trừ cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại không được dự họp Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết các vấn đề của công ty)


3. Thời gian sở hữu


Trái phiếu:

  • Thời hạn được ghi cụ thể trong trái phiếu

Cổ phiếu:

  • Không có thời hạn cụ thể


4. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi công ty giải thể, phá sản


Trái phiếu:

  • Khi công ty phá sản, giải thể, trái chủ được ưu tiên thanh toán các khoản mà công ty còn nợ trước các cổ đông nắm giữ cổ phiếu.

Cổ phiếu:

  • Khi công ty phá sản, giải thể, phần vốn góp của cổ đông được thanh toán sau cùng khi đã thanh toán hết các nghĩa vụ khác (nghĩa vụ với nhà nước, người lao động, trái chủ, nhà cung cấp,...).

bottom of page