top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Thị trường Gấu (Bear Market) là gì?

Thị trường Gấu (Bear Market) là gì?

Trong thị trường chứng khoán, chúng ta có 11 linh vật phổ biến đại diện cho những kiểu nhà đầu tư khác nhau gồm: Bull - lạc quan, Bear - bi quan, Rabbit - lướt sóng ngắn hạn, Turtle - đầu tư dài hạn, Pigs: Tham lam, Chicken - sợ hãi, Sheep - bầy đàn, Stags - kẻ cơ hội, Whales/Shark - nhà đầu tư lớn thao túng thị trường,... Trong đó, Bull và Bear là hai linh vật nổi tiếng nhất trên phố Wall.
Vậy Thị trường Gấu được định nghĩa như thế nào, các giai đoạn Thị trường Gấu ra sao và nên làm gì trong Thị trường Gấu?

1. Định nghĩa thị trường gấu (bear market):


Gấu là một trong những linh vật biểu tượng của thị trường chứng khoán. Thị trường gấu đại diện cho thị trường giá xuống, xảy ra khi thị trường chứng khoán trải qua sự sụt giảm về giá trong thời gian dài. Cụm từ này thường được dùng để miêu tả khi giá chứng khoán giảm từ 20% trở lên, và tâm lý chung của phần lớn các nhà đầu tư là tiêu cực (do cổ phiếu liên tục rớt giá). Ngoài ra, bản thân Bear cũng để ám chỉ riêng tới những nhà đầu tư nghĩ rằng thị trường sẽ tiêu cực, và sẽ tích cực bán ròng cổ phiếu hoặc đưa ra những nhận định tiêu cực về thị trường



Nguồn gốc của cụm từ “Bear Market” bắt nguồn từ cách thức tấn công đặc biệt của loài gấu. Chúng sẽ có xu hướng đứng thẳng và tấn công con mồi từ trên cao xuống. Điều này giống như biểu đồ giá xuống, và sự tấn công của con gấu thường khiến số đông nhà đầu tư “điêu đứng” và tháo chạy.

Trong một số trường hợp, các nhà kinh tế học cũng dùng định nghĩa Bear market để ám chỉ tới nền kinh tế suy thoái, vì nó cũng gần tương tự như thị trường chứng khoán khi các chỉ số như tăng trưởng GDP, số lượng việc làm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh.


2. Các giai đoạn của thị trường gấu:


Thị trường gấu thường xuất hiện bốn giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: Đạt đỉnh: Mặt bằng định giá của các cổ phiếu trên thị trường đều ở mức cao và tâm lý chung của các nhà đầu tư nhìn chung rất tích cực. Họ tin rằng mức định giá vẫn còn hợp lý vì các tin tức trên thị trường ở thời điểm này đều là những tin tức tích cực nhất và các nhà đầu tư đều đã sử dụng một lượng lớn đòn bẩy tài chính để đầu tư vào nhiều mã cổ phiếu. Tuy nhiên, ở giai đoạn bắt đầu của thị trường gấu, sẽ có những dấu hiệu cảnh báo trước của thị trường như việc phần lớn các cổ phiếu trên thị trường tăng giá quá nhanh trong một thời gian ngắn, khối lượng đặt mua giảm dần mặc dù giá vẫn tăng (nhà đầu tư đuối sức) và khối lượng đặt bán dần dần cân bằng trở lại. Ở cuối giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư không còn thấy giá tăng nhiều và sẽ bắt đầu chốt lời danh mục của mình và giá cổ phiếu bắt đầu giảm.

  • Giai đoạn 2: Bán tháo: Bắt đầu từ một số nhà đầu tư chốt lời, giá cổ phiếu dần suy giảm nhanh vì lúc này lực mua chỉ còn rất ít, hầu hết các nhà đầu tư đã nắm giữ phần lớn cổ phiếu trong danh mục. Lúc này, tâm lý đám đông bắt đầu chuyển nhanh sang xu hướng tiêu cực, và cũng là lúc mọi người mới để ý nhiều hơn tới những dấu hiệu tiêu cực trước đó như lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, các chỉ số kinh tế xuống dưới mức trung bình, định giá bất hợp lý ở nhiều cổ phiếu. Tâm lý một số nhà đầu tư có thể trở nên hoảng sợ khi thấy giá cổ phiếu sụt giảm và bắt đầu bán tháo. Đây có thể gọi là sự đầu hàng của các nhà đầu tư (từ bỏ tất cả các khoản lợi nhuận trước đó, bán đi số lượng lớn cổ phiếu của mình khi thấy giá sụt giảm).

  • Giai đoạn 3: Bắt đáy: Các nhà đầu cơ (những người tận dụng thị trường đi xuống để tích lũy tài sản, chứng khoán, thu lợi nhờ sự chênh lệch về giá sau khi mua vào cổ phiếu với giá rất thấp khi thị trường bán tháo và bán lại trong những đợt thị trường hồi phục trong ngắn hạn, do đó làm tăng khối lượng giao dịch. Mặc dù tình trạng bán tháo vẫn chưa chấm dứt, nhưng khối lượng đặt mua dần quay trở lại để cân bằng với lệnh bán.

  • Giai đoạn 4: Ổn định: Giá cổ phiếu tiếp tục giảm, nhưng chậm hơn nhiều so với giai đoạn trước, thường chỉ dao động trong một quãng hẹp do lúc này tình trạng bán tháo đã chấm dứt và định giá các cổ phiếu đã trở lại mức hợp lý. Lúc này, tin tức tốt bắt đầu thu hút các nhà đầu tư trở lại, thị trường gấu kết thúc và bắt đầu cho một chu kỳ giá lên mới


3. Nên làm gì trong thị trường gấu?


  • Có sự phân bổ danh mục hợp lý và đánh giá lại các khoản đầu tư: Cần cân bằng danh mục đầu tư giữa cổ phiếu, tiền mặt và một số loại hình đầu tư khác để mức rủi ro chung không quá lớn. Đồng thời, nên đa dạng hóa cổ phiếu ở các ngành nghề khác nhau và cân nhắc đến các nhóm ngành phòng thủ như dược phẩm, năng lượng nếu có dấu hiệu của thị trường gấu. Với các khoản đầu tư đã nắm giữ trong danh mục, cần đánh giá lại kỹ lưỡng triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp này, đồng thời xem xét đến tính thị trường của cổ phiếu doanh nghiệp đó vì mặc dù doanh nghiệp có thể tốt nhưng tính thị trường cao vẫn có thể dẫn tới giảm giá mạnh do xu hướng bán tháo diện rộng.

  • Xem xét các dữ liệu vĩ mô: Xem xét các số liệu kinh tế vĩ mô như thống kê số người thất nghiệp, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ số sản xuất (PMI),... có thể cho chúng ta biết “sức khỏe” của nền kinh tế, dự đoán được mức độ hồi phục của nền kinh tế chung, qua đó đánh giá tổng quát được mức độ giảm giá có thể xảy ra của thị trường gấu. Thị trường gấu được thúc đẩy đa phần bởi tâm lý của các nhà đầu tư (do sự bán khống, bán tháo trong lo sợ khiến giá cổ phiếu sụt giảm), vì vậy thị trường giá xuống có thể sớm hồi phục khi tâm lý chung của các nhà đầu tư có những kỳ vọng về sự tăng trưởng kinh tế tích cực.

  • Nên có mức cắt lỗ nhất định để bảo toàn vốn: Việc bảo toàn vốn rất quan trọng trong đầu tư. Một khi bạn thua lỗ quá nhiều, bạn sẽ còn lại ít vốn hơn và phải cố gắng lãi gấp nhiều lần để hồi phục lại mức cũ, do đó nên có một mức cắt lỗ hợp lý để có thể quay trở lại sau khi thị trường gấu kết thúc.


bottom of page