top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Thị trường chung (Common Market)

Thị trường chung (Common Market)

Từ 1/1/1993, EU đã thiết lập nên một thị trường, được gọi là Thị trường chung Châu Âu (ECM). Trong thị trường này, việc tự do lưu thông về hàng hóa, con người, dịch vụ và tiền vốn giữa các nước thành viên được đảm bảo. Vậy thị trường chung (Common Market) là gì, ưu điểm, hạn chế cũng như các mô hình của thị trường chung được phát triển như thế nào?

Thị trường chung (Common Market) là gì?


Thị trường chung có tên tiếng Anh là Common Market.

Thị trường chung là hình thức liên kết kinh tế giữa các nước, trong đó:

- Xoá bỏ thuế quan và những rào cản phi thuế quan đối với phần lớn hàng hóa, dịch vụ giữa các nước thành viên

- Thiết lập và thống nhất một mức thuế quan chung giữa các nước thành viên với các nước khác ngoài liên minh.

- Cho phép dòng vốn và lao động di chuyển tự do giữa các nước thành viên mà không phải chịu những rào cản như thuế thu nhập quy định cho người nước ngoài hay tỷ lệ vốn được nắm bởi nhà đầu tư ngoại quốc, tạo nên một thị trường thống nhất giống như trong một nước.

Ví dụ: thị trường chung châu Âu (ECM); thị trường chung Đông Phi, .v.v.

Lưu ý: Chỉ cần một trong những điều kiện trên không được thỏa mãn, đó không phải thị trường chung. Thị trường chung là hình thức liên minh kinh tế cấp độ 3 theo phân loại của nhà kinh tế học Béla Balassa người Hungary, là hình thức liên minh chặt chẽ hơn cấp độ 1 (khu vực mậu dịch tự do - FTA) và cấp độ 2 (liên minh thuế quan - Custom Union)


Ưu điểm và hạn chế của thị trường chung


Ưu điểm

- Sự di chuyển tự do của lao động, hàng hóa, dịch vụ và vốn

Ngoài việc sở hữu ưu điểm không rào cản thuế quan giữa các nước thành viên của mô hình FTA, lợi ích cạnh tranh bình đẳng giữa các nước thành viên với các nước bên ngoài liên minh nhờ biểu thuế quan chung của mô hình Custom Union, lợi ích chính của một thị trường chung còn bao gồm việc lao động và dòng vốn (tức nguồn lực sản xuất) có thể tự do luân chuyển giữa các quốc gia để dễ dàng hỗ trợ nhau trong các hoạt động kinh tế. Do đó, một thị trường chung thường được coi giống như một quốc gia duy nhất và những cản trở về mặt biên giới giữa các quốc gia được xóa đi.

- Hiệu quả trong hợp tác sản xuất

Các nguồn lực sản xuất được cho phép di chuyển tự do dẫn đến sự phân bổ hiệu quả hơn (ví dụ: những lao động giỏi về công nghiệp ở những nước nông nghiệp có thể đến những nước thành viên khác có lợi thế về công nghiệp và ngược lại). Từ đó, kinh tế trong khu vực thị trường chung sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Các công ty thường được hưởng lợi từ sản xuất với chi phí thấp hơn (nhiều lao động hơn), quy mô sản xuất lớn hơn (có thể xây nhà máy ở nhiều nước) và từ đó tăng lợi nhuận. Các nước ở các quốc gia cũng có thể hợp tác hoặc cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển.


Hạn chế

- Các quốc gia có sức cạnh tranh kém hơn sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Ví dụ như những nước không có lợi thế nhất định thì khi mở cửa thị trường lao động tự do sẽ mất nhiều lao động giỏi sang các nước thành viên khác và sa sút dần. Điều này có thể cản trở sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia đó và quốc gia đó dần trở thành gánh nặng trong liên minh.

- Các công ty trước đó từng được chính phủ bảo vệ và trợ cấp khó có thể trục được trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Các công ty từng độc quyền ở một quốc gia nào đó giờ sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn và có thể mất thị phần trên chính sân nhà.

- Ảnh hưởng tới dòng chảy thương mại (trade diversion)

Việc thành lập một thị trường chung còn tác động mạnh tới dòng chảy thương mại giữa những nước trong liên minh với những nước ngoài liên minh.

Ví dụ như trước đó, một nước B bên ngoài liên minh nhập khẩu thường xuyên mặt hàng động cơ xe hơi từ nước A bên trong liên minh và đã có những hiệp ước thương mại giảm thuế giữa A và B. Tuy nhiên, sau khi A tham gia thị trường chung, hiệp ước thương mại này bị phá vỡ vì A lúc này phải tuân theo biểu thuế quan chung của khu vực, khiến cho nhập khẩu động cơ xe hơi của B bị gián đoạn hoặc phải nhập khẩu với mức chi phí đắt đỏ hơn. Nhiều hiệp định thương mại mà nước A đã ký với các nước khác ngoài liên minh cũng có thể bị phá vỡ.  Đây cũng là một hệ quả của thị trường chung.


Mô hình thị trường chung


Những ví dụ điển hình là Thị trường chung của các nước phía Nam (Southern Common Market - MERCOSUR), gồm nhiều nước Mỹ La Tinh như Argentina, Brazil, Uruguay, và Paraguay. Mục tiêu của thị trường chung này là để củng cố hợp tác kinh tế trong khu vực và tạo cơ hội đầu tư giữa các thành viên trong cùng khu vực địa lý.

Một ví dụ khác là cộng đồng Đông Phi (East African Community - EAC) gồm 6 nước: Burundi, Kenya, Rwanda, South Sudan, Tanzania và Uganda. Thị trường chung này giúp tăng tốc tăng trưởng kinh tế trong khu vực nhờ hợp tác trong nhiều mảng mà các nước thành viên còn yếu như nông nghiệp, năng lượng, giáo dục và công nghệ.

bottom of page