top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Thị trường Bò Tót (Bull Market)

Thị trường Bò Tót (Bull Market)

Trong thị trường chứng khoán, chúng ta có 11 linh vật phổ biến đại diện cho những kiểu nhà đầu tư khác nhau gồm: Bull - lạc quan, Bear - bi quan, Rabbit - lướt sóng ngắn hạn, Turtle - đầu tư dài hạn, Pigs: Tham lam, Chicken - sợ hãi, Sheep - bầy đàn, Stags - kẻ cơ hội, Whales/Shark - nhà đầu tư lớn thao túng thị trường,... Trong đó, Bull và Bear là hai linh vật nổi tiếng nhất trên phố Wall. Vậy thị trường Bò Tót (Bull Market) là gì, đặc điểm và chiến lược của thị trường này ra sao?

1. Bull Market nghĩa là gì?


Bò tót (Bull) là một trong những linh vật biểu tượng của thị trường chứng khoán. Thị trường bò tót đại diện cho thị trường giá lên, thường được dùng để miêu tả khi các chỉ số chứng khoán có sự tăng mạnh, và tâm lý của phần lớn các nhà đầu tư trong thị trường bò là tích cực. Ngoài ra, bản thân hình tượng Bò tót cũng để ám chỉ riêng tới những nhà đầu tư đang nghĩ rằng thị trường sẽ có xu hướng tăng, và do đó mua mạnh cổ phiếu hoặc đưa ra nhận định tích cực về thị trường.



Từ xa xưa, ta đều biết bò tót là một loài vật hung hãn, có đòn tấn công khốc liệt nhất và chúng thường được sử dụng trong các cuộc đấu, cuộc đua ngày xưa của giới quý tộc. Loài bò tót khi tấn công thường dùng chiếc sừng của mình để húc con mồi từ dưới lên trên không. Điều này giống như biểu đồ chứng khoán đang tăng giá, và sự hưng phấn cho các nhà đầu tư lúc này cũng giống như sự hưng phấn của những người đấu bò tót trên đấu trường.

Có thể nói, trái ngược với Bear Market (thị trường gấu), thị trường bò tót là đặc trưng một tình trạng tâm lý tích cực, lạc quan chung của các nhà đầu tư, với kỳ vọng rằng giá trị của cổ phiếu sẽ tăng trong một khoảng thời gian dài. Không có số liệu cụ thể nào để xác định một thị trường tăng giá. Tuy nhiên, cách phổ biến nhất để nhận biết thị trường bò tót là thị trường chứng khoán tăng 20% kể từ lần giảm sâu 20% (thị trường gấu) trước đó.


2. Đặc điểm của thị trường bò tót


Thị trường bò tót thường có xu hướng xuất hiện khi nền kinh tế chung đang trên đà tăng trưởng. Thị trường chứng khoán tăng giá thường song hành với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp giảm cùng với sự gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Suốt thời kỳ thị trường tăng giá, tâm lý chung của các nhà đầu tư có xu hướng tích cực và kỳ vọng tốt về nguồn lợi nhuận thu được trong tương lai.

Trong thị trường giá lên, không nhà đầu tư nào muốn bán đi lượng cổ phiếu mình nắm giữ nếu họ nghĩ nó chưa đạt đỉnh, trong khi nhu cầu mua lại tăng cao do giá lên nên nhiều cổ phiếu sẽ có mức tăng giá rất mạnh trong một thời gian ngắn. Thị trường tăng giá còn thu hút nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường để thu được lợi nhuận nhờ tiềm năng trong tương lai.


3. Các chiến lược trong thị trường bò tót:


Thông thường, các nhà đầu tư nên mua vào cổ phiếu sớm để tận dụng lợi thế tăng giá chung của thị trường và bán ra khi giá đạt đỉnh để kiếm lợi nhuận. Dưới đây là một số chiến lược nhà đầu tư có thể tham khảo khi bước vào thị trường tăng giá. Tuy nhiên, vì rất khó để đánh giá một thị trường có phải thị trường tăng giá hay không (chỉ sau khi nó đã xảy ra), nên những chiến lược này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

  • Mua và giữ

Một trong những chiến lược phù hợp cho thị trường tăng giá là mua một cổ phiếu cụ thể và nắm giữ nó, cho đến khi thị trường bò tót kết thúc có thể bán đi để thu lợi nhuận. Hoặc nhà đầu tư có thể tiếp tục mua thêm cổ phiếu mà mình đang nắm giữ, tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu mỗi khi giá lên thêm một chút, như vậy sẽ tận dụng được cơ hội giá lên và có thể linh hoạt thoát ra nếu thị trường bò tót đột ngột kết thúc.

  • Giao dịch lướt sóng (Swing Trading):

Đây là một dạng giao dịch nắm giữ trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần. Các Swing Trader thường xuyên theo dõi thị trường để xác định xu hướng trong khoảng thời gian này, họ có nhiều thời gian hơn để phân tích thị trường so với các giao dịch theo giờ, theo ngày nên các đơn vị phân tích thường có độ ổn định hơn, mỗi giao dịch thường có nhiều thời gian hơn để tạo ra lợi nhuận do giá thường đi đúng theo dự đoán trước đó (nhưng lợi nhuận vẫn ít hơn so với position trading).

bottom of page