Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Tháp nhu cầu Maslow (Maslow's hierarchy of needs) là gì?

Tháp nhu cầu Maslow (hay hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow) lần đầu tiên được giới thiệu trong bài báo "A Theory of Human Motivation" vào năm 1943 bởi chính nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow. Maslow sau đó đã hoàn thiện lý thuyết này vào năm 1954 với cuốn sách của mình có tên “Motivation and Personality“ . Ông đề xuất rằng nhu cầu của con người có thể được sắp xếp thành một hệ thống cấp bậc. Hệ thống phân cấp này bao gồm từ các nhu cầu cơ bản như thức ăn, nước uống đến các khái niệm trừu tượng như sự thể hiện bản thân. Theo Maslow, khi nhu cầu thấp hơn được đáp ứng, nhu cầu thuộc bậc thang tiếp theo sẽ trở thành mục tiêu để con người theo đuổi.
Vậy Tháp nhu cầu Maslow được phân chia ra sao, những ví dụ thực tế nào thuộc tháp nhu cầu Maslow?
Hiểu thêm về tháp nhu cầu Maslow
Thang nhu cầu Maslow được chia ra làm 5 thứ bậc được sắp xếp theo thứ tự: Nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu về các mối quan hệ, nhu cầu được kính trọng và nhu cầu được thể hiện bản thân.
Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs)
Nhu cầu sinh lý là loại nhu cầu cơ bản nhất của con người và được đặt ở đáy tháp, nhu cầu này đóng vai trò quan trọng trong quyết định sự sinh tồn của một cá nhân bất kỳ. Nếu những yêu cầu này không được đáp ứng thì cơ thể con người sẽ không thể duy trì được sự sống. Nhu cầu sinh lý điển hình có thể nhắc tới như nhu cầu về hơi thở, thức ăn, nước uống, quần áo, nơi ở…
Nhu cầu an toàn (Safety Needs)
Nhu cầu an toàn được đặt trên nhu cầu sinh lý một bậc. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi chỉ khi nhu cầu sinh lý của con người được đáp ứng, thì họ mới một điều gì đó để đảm bảo duy trì và giúp họ an tâm phát triển. Các nhu cầu đảm bảo an toàn có thể kể đến như: an toàn về sức khỏe, an toàn về tài chính và an toàn tính mạng, không gây thương tích.
Sự phát triển từ nhu cầu sinh lý sang nhu cầu an toàn được thể hiện rõ nhất trong câu thành ngữ “Ăn chắc mặc bền” thành “Ăn ngon mặc đẹp”.
Nhu cầu các mối quan hệ (Love and Belonging Needs)
Khi các nhu cầu về vật chất được đáp ứng đầy đủ, con người mong muốn hướng đến các nhu cầu về tinh thần nhiều hơn. Họ bắt đầu muốn mở rộng các mối quan hệ của mình như bạn bè, tình yêu, đối tác và đồng nghiệp… Nhu cầu này được thể hiện thông qua các mối quan hệ xung quanh như gia đình, bạn bè, người yêu, các câu lạc bộ,… để tạo cảm giác thân thuộc, gần gũi, giúp con người cảm thấy không bị cô độc, trầm cảm và lo lắng.
Nhu cầu được kính trọng (Esteem Needs)
Cao hơn nhu cầu về các mối quan hệ, con người mong muốn nhận được sự coi trọng từ mọi người xung quanh và bản thân mình. Nhu cầu này được nhìn nhận dưới dạng lòng tự trọng, sự tín nhiệm, tự tin, tin tưởng và mức độ thành công của một người. Nhu cầu kính trọng trong tháp được chia ra làm hai loại:
Thứ nhất là mong muốn có được danh tiếng và sự tôn trọng từ mọi người xung quanh. Và thứ hai là nhu cầu xuất phát từ lòng tự trọng với chính bản thân. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các cá nhân phát triển bản thân. Các cá nhân thiếu mất đi lòng tự trọng sẽ dễ trở nên mặc cảm và dễ dàng bỏ cuộc trước nhiều thử thách. Thực tế bạn có thể nhìn thấy nếu một người nào đó thiếu lòng tự trọng thì bản thân họ rất dễ trở nên mặc cảm, thường đầu hàng trước những khó khăn của cuộc sống.
Nhu cầu được thể hiện bản thân (Self-Actualization Needs)
Nhu cầu thể hiện bản thân được đặt ở vị trí cao nhất trong thang nhu cầu Maslow. Nhu cầu này thường xuất hiện ở những người thành công, họ tiếp tục phát huy tiềm năng, sức mạnh, trí tuệ của mình để cho người khác nhìn thấy. Hầu hết những người này làm việc là để thỏa đam mê, đi tìm những giá trị thật sự thuộc về mình. Cho nên, nếu như nhu cầu này không được đáp ứng sẽ khiến con người cảm thấy hối tiếc vì những đam mê của mình chưa được thực hiện.
Ví dụ thực tế thuộc tháp Maslow
Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs): Thức ăn, nước uống, nơi ở, giấc ngủ. Các sản phẩm điển hình là hàng hóa thiết yếu (Non - discretionary goods) của các thương hiệu FMCG.
Nhu cầu an toàn (Safety Needs): Công việc ổn định, môi trường sống được an ninh bảo đảm, hệ thống y tế đủ đáp ứng. Các sản phẩm tiêu dùng điển hình cho nhu cầu này là các thiết bị an ninh, bệnh viện, sản phẩm y tế.
Nhu cầu các mối quan hệ (Love and Belonging Needs): Mối quan hệ bạn bè, mối quan hệ đồng nghiệp, tình yêu. Những sản phẩm cho nhu cầu này không còn xa lạ với chúng ta ngày nay như Facebook, Tiktok, Tinder, ...
Nhu cầu được kính trọng (Esteem Needs): Sự tôn trọng, danh tiếng, sự nổi tiếng. Để đáp ứng nhu cầu này, các sản phẩm thường thấy là ô tô, du thuyền, trang sức và những tấm huấn chương thành tích.
Nhu cầu được thể hiện bản thân (Self-Actualization Needs): Đạo đức, sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề. Nhiều người sẽ nhầm nhu cầu ở tầng tháp này với tầng tháp được kính trọng. Nhưng trên thực tế, những mong muốn ở tầng tháp này nó không còn là để thỏa mãn những thiết yếu của bản thân hay xây dựng hình ảnh với xã hội nữa. Nó chỉ đơn giản là nhu cầu được là chính mình. Ví dụ một người có đam mê hội họa từ nhỏ nhưng lớn lên anh ấy làm nghề kế toán. Khi mọi nhu cầu của anh ấy đã được thỏa mãn như nhà cửa xe cộ chức vụ cao thì anh ấy sẽ mong muốn được là bản thân và được trở về với đam mê hội họa của mình, đó sẽ là tầng tháp cao nhất.