top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

S&P 500 INDEX (Chỉ số S&P 500)

S&P 500 INDEX (Chỉ số S&P 500)

Chỉ số S&P 500, trước đây được gọi là Chỉ số chứng khoán tổng hợp, được công ty xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor giới thiệu ở quy mô nhỏ vào năm 1923. Nó bắt đầu theo dõi 90 cổ phiếu vào năm 1926 và mở rộng lên con số 500 vào năm 1957, từ đó giữ nguyên con số 500 thành thương hiệu nổi tiếng đối với các nhà đầu tư ở Mỹ và trên khắp thế giới.

1. Thế nào là chỉ số S&P?

S&P 500 (viết đầy đủ trong tiếng Anh là Standard & Poor's 500 Stock Index - Chỉ số 500 cổ phiếu của Standard & Poor) là một chỉ số cổ phiếu dựa theo biến động giá cổ phiếu của 500 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường được niêm yết trên hai sàn chứng khoán NYSE hoặc NASDAQ. Chỉ số S&P 500 nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin về sự biến độ tổng thể của nhóm các doanh nghiệp hoạt động tốt trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Chỉ số này được thành lập năm 1923, được quản lý bởi Standard & Poor’s (công ty xếp hạng tín nhiệm được tập đoàn McGraw-Hill mua lại sau đó), trong đó công ty Standard & Poor còn tạo ra các chỉ số khác như S&P MidCap 400, S&P SmallCap 600 và S&P Composite 1500. Bên cạnh chỉ số S&P, có nhiều chỉ số khác cũng đóng vai trò quan trọng cho thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trong đó có chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones hay chỉ số Russell 2000 đại diện cho các doanh nghiệp và công ty có vốn hóa nhỏ.



Danh sách này sẽ thường xuyên thay đổi dựa trên sự phát triển của các công ty. Tuy vậy, luôn có những công ty lâu đời tồn tại trong danh sách như Boeing (gia nhập chỉ số năm 1957), Exxon Mobil (1957), Ford (1957), … Ngoài ra, có những công ty công nghệ đang tăng trưởng mạnh và mới gia nhập chỉ số như: Facebook, Microsoft, Apple, Google, Alphabet, Amazon, Tesla,...


2. Tiêu chí để được lựa chọn vào chỉ số S&P 500

Để đủ điều kiện được lựa chọn cho chỉ số S&P, một công ty cần:

  • Đảm bảo số vốn hóa trên thị trường đạt mức 13 tỷ Đô la (tính đến tháng 6 năm 2021). Mức này sẽ tăng dần hoặc giảm theo thời gian tùy tình hình mặt bằng chung của thị trường

  • Ít nhất một 10% lượng cổ phiếu của công ty là cổ phiếu trôi nổi tự do (cổ phiếu được nắm giữ bởi nhà đầu tư nhỏ lẻ và được giao dịch thường xuyên (tức cổ phiếu công ty có đủ thanh khoản và cổ phiếu trôi nổi tự do để các nhà đầu tư có thể mua được)

  • Tổng lợi nhuận sau thuế của bốn quý gần nhất phải dương

  • Tham gia thị trường ít nhất một năm trở lên


3. Ưu điểm và nhược điểm

  • Ưu điểm: Chỉ số bao gồm nhiều công ty dẫn đầu ở các lĩnh vực khác nhau và chiếm khoảng 70% giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ. Các nhà quản lý quỹ tương hỗ sử dụng chỉ số S&P 500 như một công cụ để xác định xu hướng tăng giảm chung của các cổ phiếu trên sàn. Ngoài ra, các quỹ lớn như Vanguard 500 Index và ETF cũng dựa trên S&P 500 để mua vào các cổ phiếu cho danh mục của họ. Ngoài ra, chỉ số S&P cũng thường phản ứng tương đối nhạy với các sự kiện chính trị quan trọng và các điều chỉnh về chính sách kinh tế, số liệu lạm phát hay quyết định tăng giảm lãi suất.

  • Nhược điểm: mặc dù Standard & Poor’s cố gắng bao trùm tất cả các lĩnh vực, thể hiện ở số lượng công ty thành phần là 500 công ty, nhưng trong thực tế chỉ 45 công ty trong đó đã chiếm hơn 50% giá trị của toàn bộ chỉ số vì chỉ số sử dụng phương pháp trung bình trọng số theo vốn hóa (do đó các doanh nghiệp vốn hóa lớn đã áp đảo về tỷ trọng trong rổ chỉ số). Do đó, S&P 500 thực tế có xu hướng phản ánh sự biến động giá của một nhóm khá nhỏ các công ty thay vì toàn bộ thị trường.


4. Các yếu tố tác động đến chỉ số S&P 500

Biến động của chỉ số S&P 500 phụ thuộc vào biến động giá của các công ty trong bộ chỉ số. Vậy nên những yếu tố ảnh hưởng đến các công ty thành phần cũng ảnh hưởng đến giá trị của S&P500. Đây là những yếu tố ảnh hưởng chính đến chỉ số S&P 500:

  • Chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương:Các chính sách tiền tệ theo quy định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ảnh hưởng lớn đến chi phí cho vay, lạm phát, lãi suất trái phiếu và lợi tức yêu cầu của chứng khoán nên có tác động không hề nhỏ tới chỉ số S&P 500.

  • Chu kỳ tăng trưởng kinh tế: Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao, số liệu việc làm sẽ tăng cao. Người lao động tạo ra được nhiều nguồn thu và chỉ số công nghiệp, tiêu dùng do đó cũng tăng mạnh, dẫn tới sự lạc quan của các nhà đầu tư và chỉ số S&P sẽ có xu hướng tích cực. Ngược lại, trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, chỉ số S&P thường sẽ mức biến động giảm tương đối lớn với tốc độ nhanh, tác động đến tâm lý chung của thị trường.

  • Định giá tiền tệ: Đồng USD mạnh yếu sẽ có tác động đến nhiều hoạt động kinh tế như xuất nhập khẩu, dòng tiền đầu tư nước ngoài và có một ảnh hưởng quan trọng tới xu hướng chỉ số chứng khoán. Thường thì khi đồng USD mạnh lên, các nhà đầu tư sẽ rút tiền đầu tư ở các nước khác và đẩy về chứng khoán Mỹ để hưởng lợi từ đồng USD tăng giá, giúp cho chỉ số chứng khoán tăng cao.

  • Biến động của giá cả hàng hóa: Giá cả các mặt hàng quyết định tới lạm phát và chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, đặc biệt là các loại hàng hóa như xăng dầu, than, sắt thép, lương thực. Vì vậy, giá cả hàng hóa cũng sẽ có tác động nhất định tới xu hướng tích cực/tiêu cực của thị trường

  • Yếu tố bất ngờ: Giá cổ phiếu của các công ty thành phần trong S&P 500 có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất ngờ như thiên tai, bầu cử, chiến tranh thương mại,...


5. Công thức tính giá trị của chỉ số S&P


Trong đó:

  • Company weighting in S&P: Tỷ trọng đóng góp của công ty trong chỉ số S&P.

  • Total of all market-caps: Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các cổ phiếu trong chỉ số S&P

  • Company market-cap: Vốn hóa thị trường của công ty (số lượng cổ phiếu x giá mỗi cổ phiếu)

bottom of page