top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Quỹ Tương Hỗ (Mutual Fund)

Quỹ Tương Hỗ (Mutual Fund)

Một số trích dẫn cho rằng, Quỹ tương hỗ được sáng lập bởi một công dân Hà Lan tên là Adriaan van Ketwich. Ông lập quỹ tín thác đầu tư của mình vào năm 1774. Ketwich cho rằng sự đa dạng hóa danh mục của một khoản đầu tư quy mô lớn được góp vốn chung bởi nhiều người sẽ hấp dẫn hơn các khoản đầu tư nhỏ lẻ của các cá nhân với số vốn ít ỏi. Tuy nhiên, quỹ tương hỗ chỉ thực sự được chú ý vào những năm 1980 khi giá trị đầu tư vào các quỹ kiểu này đạt mức cao kỷ lục và các nhà đầu tư thấy được lợi nhuận đáng kinh ngạc của các quỹ tương hỗ.
Vậy điều gì đã tạo nên sự hấp dẫn của Quỹ tương hỗ và đầu tư vào Quỹ có gì thú vị?


1. Quỹ tương hỗ là gì?


Mutual Fund hay còn được gọi là quỹ tương hỗ (tương hỗ: đôi bên cùng có lợi) là loại hình trung gian tài chính được điều hành bởi công ty đầu tư hoặc công ty quản lý quỹ nhằm huy động vốn từ nhiều cổ đông (cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ) và đầu tư vào các loại hình đa dạng như chứng khoán, trái phiếu, hợp đồng quyền chọn, hàng hóa hay thị trường tiền tệ. Quỹ tương hỗ thường phát hành chứng chỉ quỹ để huy động vốn. Cổ đông của quỹ (những người đã mua chứng chỉ quỹ) là người chấp nhận rủi ro để ủy thác khoản đầu tư của mình cho quỹ và sẽ được hưởng lợi từ lợi nhuận đầu tư của quỹ đó.

Các quỹ tương hỗ được quản lý và vận hành bởi những nhà quản lý chuyên nghiệp, có kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính, chịu trách nhiệm nghiên cứu và phân bổ các khoản đầu tư, tạo ra lợi nhuận hoặc thu nhập vượt trội so với thị trường cho các cổ đông của quỹ.

Đồng thời, các quỹ tương hỗ sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư nhỏ hoặc cá nhân cách để gián tiếp tiếp cận với các danh mục đầu tư đặc biệt mà phải cần tới một lượng vốn lớn hoặc kinh nghiệm đầu tư lâu năm như đầu tư vào thị trường bất động sản, đầu tư kim loại quý, trái phiếu chính phủ, thâu tóm doanh nghiệp,...


2. Phân loại quỹ tương hỗ


  • Quỹ chỉ số (Index Fund): Là một loại hình quỹ tương hỗ, với danh mục đầu tư được xây dựng để mô phỏng diễn biến của một chỉ số chứng khoán nhất định (ví dụ như chỉ số chứng khoán Mỹ, chỉ số chứng khoán các nước mới nổi, chỉ số VNIndex), cung cấp cho nhà đầu tư khả năng tiếp cận với một danh mục đầu tư được đa dạng hóa rộng rãi vào nhiều cổ phiếu và nhóm ngành với chi phí hoạt động thấp, cũng như danh mục đầu tư ít biến động. Một số quỹ chỉ số điển hình như quỹ mô phỏng chỉ số S&P 500 của Mỹ, hay quỹ VNFVN30 mô phỏng chỉ số VN30 của Việt Nam, quỹ MSCI Emerging Market mô phỏng chỉ số chứng khoán tại các thị trường mới nổi.

  • Quỹ thu nhập cố định (Fixed Income): Đây là quỹ có mục tiêu đầu tư vào các tài sản tài chính có lãi suất cố định bao gồm: Trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ và lợi nhuận thu được chính là nguồn thu nhập từ lãi suất được trả cố định.

  • Các loại quỹ tương hỗ khác: Một số quỹ tương hỗ cơ bản như quỹ đầu tư vào nhóm ngành nhất định (Sector Funds), Quỹ thị trường tiền tệ (Money Market Funds), Quỹ chỉ đầu tư vào cổ phiếu (Equity Funds), Quỹ cân bằng tỷ trọng đầu tư (Balanced Fund),.. Nhìn chung, các quỹ tương hỗ sẽ thường được chia theo loại hình và phong cách đầu tư, do đó sẽ cực kỳ đa dạng về số lượng cũng như về mức độ phức tạp.


3. Quỹ tương hỗ hoạt động như thế nào?


  • Gọi vốn:

Đầu tiên, quỹ cần gọi vốn để có thể bắt đầu hoạt động và mang đi đầu tư. có nhiều cách để quỹ gọi vốn, một là quỹ sẽ liên tục phát hành thêm các chứng chỉ quỹ mới cho các nhà đầu tư mới, giống như cách một doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để gọi vốn. Cách thứ hai là quỹ chỉ phát hành một số lượng chứng chỉ quỹ nhất định (ví dụ: 1,000 chứng chỉ quỹ), sau đó nếu có nhà đầu tư mới thì quỹ sẽ bán ra số chứng chỉ quỹ đang có cho nhà đầu tư đó đến khi hết trong kho. Lúc này nhà đầu tư mới muốn tham gia sẽ phải mua lại chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư khác, hoặc đợi cho đến khi có một nhà đầu tư rút đi. Trong quá trình đó, quỹ sẽ mua lại chứng chỉ quỹ của những nhà đầu tư rút đi và bán lại với giá cao hơn cho những nhà đầu tư mới để gọi vốn.

  • Quản lý và hoạt động

Nếu coi một quỹ tương hỗ là một công ty, thì Giám đốc điều hành của nó chính là người quản lý quỹ, đôi khi được gọi là cố vấn đầu tư. Người quản lý quỹ được thuê bởi một hội đồng quản trị (là những cổ đông lớn nắm giữ nhiều chứng chỉ của quỹ đó) và có nghĩa vụ pháp lý làm việc vì lợi ích tốt nhất cho các cổ đông của quỹ tương hỗ. Ở nhiều quỹ, người quản lý quỹ cũng sở hữu một lượng lớn chứng chỉ quỹ và đóng vai trò là thành viên quan trọng trong hội đồng quản trị của quỹ.

Quỹ tương hỗ cũng có rất ít nhân viên. Cố vấn đầu tư hoặc quản lý quỹ thường sẽ kiêm việc nghiên cứu và đưa ra quyết định đầu tư. Quỹ cũng có thể thuê một số nhà phân tích để hỗ trợ phân tích, nghiên cứu thị trường hoặc lựa chọn đầu tư tốt hơn ở nhiều nhóm ngành. Ngoài ra, còn kế toán quỹ giúp tính toán giá trị tài sản thuần của quỹ, giá trị hàng ngày của các danh mục đầu tư để xác định xem giá cổ phiếu tăng hay giảm, một hoặc hai nhân viên tuân thủ (cố vấn doanh nghiệp) và có thể là một luật sư, để tuân thủ các quy định của chính phủ và Luật đầu tư.

  • Chia lợi nhuận

Sau khi đầu tư, quỹ sẽ thường chia lại lợi nhuận kiếm được cho các nhà đầu tư thường theo các hình thức sau:

- Thu nhập kiếm được từ cổ tức trên cổ phiếu và lãi trái phiếu nắm giữ trong danh mục đầu tư của quỹ. Quỹ sẽ trả gần như tất cả thu nhập mà nó nhận được trong năm cho chủ sở hữu quỹ dưới hình thức trả cổ tức. Quỹ thường cho các nhà đầu tư lựa chọn nhận cổ tức hoặc tái đầu tư cổ tức vào quỹ và nhận thêm chứng chỉ quỹ.

- Nếu các chứng khoán mà quỹ nắm giữ tăng giá và người quản lý quỹ hoàn tất bán ra thu về lợi nhuận, phần lợi nhuận sẽ được dùng để trả cổ tức: Hầu hết phần lợi nhuận này sau đi trừ đi các phí quản lý sẽ được trả hết cho những nhà đầu tư đang nắm chứng chỉ quỹ.

- Nếu chứng khoán quỹ nắm giữ tăng giá nhưng chưa hoàn tất bán ra để thu về lợi nhuận, giá trị của quỹ vẫn sẽ tăng lên và chứng chỉ quỹ mà mỗi nhà đầu tư nắm giữ sẽ có thể bán lại với giá cao hơn. Nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận mà không cần chờ được trả cổ tức từ quỹ.


4. Ưu điểm của quỹ


  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư. Đầu tư vào quỹ tương hỗ sẽ có được sự đa dạng hóa vào nhiều loại hình đầu tư và tài sản trong một danh mục giúp giảm thiểu rủi ro, và có thể tạo ra lợi nhuận vượt trội cho danh mục đầu tư. Đồng thời, với số vốn lớn, các loại hình đầu tư khó tiếp cận như bất động sản, trái phiếu chính phủ, kim loại quý, thị trường tiền tệ cũng trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Đây là điều mà các nhà đầu tư cá nhân với số vốn nhỏ lẻ khó có thể đạt được và cũng là ưu điểm đặc biệt của quỹ tương hỗ

  • Giảm thiểu chi phí giao dịch. Một quỹ tương hỗ mua và bán một lượng lớn chứng khoán tại một thời điểm, chi phí giao dịch của nó sẽ thấp hơn chi phí một cá nhân phải trả cho các giao dịch chứng khoán riêng lẻ. Hơn nữa, quỹ tương hỗ nhận được nhiều ưu đãi về phí giao dịch từ các công ty môi giới nên chi phí giao dịch cũng giảm đi đáng kể

  • Quản lý chuyên nghiệp. Một nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm sẽ đảm nhận việc lựa chọn cổ phiếu và quản lý các khoản đầu tư bằng cách nghiên cứu thị trường cẩn thận và giao dịch khéo léo. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường không có thời gian, hoặc kiến thức chuyên môn để quản lý danh mục đầu tư, hoặc khó tiếp cận tới những thông tin chuyên sâu mà một quỹ chuyên nghiệp có. Quỹ tương hỗ là một cách tương đối hợp lý để các nhà đầu tư nhỏ có được một người quản lý toàn thời gian, thực hiện và giám sát các khoản đầu tư cho mình.

  • Tính minh bạch. Các quỹ tương hỗ tuân theo quy định của Ngành, Nhà nước, đảm bảo trách nhiệm giải trình và công bằng cho các nhà đầu tư


5. Nhược điểm của quỹ


  • Phải duy trì một lượng tiền mặt không sinh lời. Các quỹ tương hỗ gom tiền từ hàng nghìn nhà đầu tư, vì vậy các giao dịch bỏ tiền vào quỹ, cũng như rút tiền ra diễn ra hàng ngày. Để duy trì tính thanh khoản và đáp ứng việc rút tiền, các quỹ thường xuyên phải giữ một phần tiền mặt lớn hơn so với một nhà đầu tư thông thường. Bởi vì tiền mặt không sinh lời, nó thường được gọi là "lực cản tiền mặt" làm giảm hiệu suất quỹ.

  • Chi phí cao. Các quỹ tương hỗ cung cấp sự quản lý chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư, nhưng đồng thời cũng yêu cầu mức phí quản lý khá cao. Trong trường hợp những năm quỹ không tạo ra lợi nhuận, các nhà đầu tư vẫn phải trả các khoản phí duy trì, điều hành quỹ.

  • Thuế bị tính nhiều lần. Mỗi khi nhà quản lý quỹ bán một chứng khoán, thuế thu nhập sẽ tính vào lợi nhuận, và lợi nhuận đó sau khi trả cổ tức lại tiếp tục bị tính lần 2. Điều này sẽ gây bất lợi cho những người nắm giữ chứng chỉ quỹ.

  • Đánh giá quỹ sẽ tương đối khó khăn. Nghiên cứu và so sánh của các quỹ có thể gặp nhiều khó khăn. Không giống như cổ phiếu, quỹ tương hỗ không cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều dữ liệu để xác định tỷ lệ giữa giá với thu nhập (P/E), tăng trưởng doanh số bán hàng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) hoặc các dữ liệu quan trọng khác. Giá trị tài sản ròng của quỹ tương hỗ có thể cung cấp một số cơ sở để so sánh, nhưng với sự đa dạng của danh mục đầu tư, ngay cả các quỹ cùng tên hoặc cùng mục tiêu vẫn khó có thể so sánh ngang hàng. Chỉ các quỹ chỉ số theo dõi các chỉ số chứng khoán giống nhau mới có thể so sánh được hiệu quả chuẩn xác.

bottom of page