Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Quy luật một giá (Law of One Price) là gì?

Chẳng hạn như một hộp sữa tại thị trường Mỹ và Úc lần lượt có giá là 5$ và 4$. Với khoản giá chênh lệch là 1$, thương nhân sẽ mua sữa tại Úc và bán lại trên thị trường Mỹ để thu lợi nhuận. Điều này vô tình khiến cho nhu cầu và giá sữa ở Úc tăng lên, đồng thời giá sữa ở Mỹ giảm xuống vì nhiều mặt hàng sữa được nhập về hơn, đến một thời điểm nào đó, mức giá ở hai quốc gia này sẽ hội tụ lại và trở thành cùng một giá. Vậy Quy luật một giá (Law of One Price) là gì? Quy luật một giá có những hạn chế như thế nào?
Quy luật một giá (Law of One Price) là gì?
Quy luật một giá là một lý thuyết kinh tế cho rằng: Khi thị trường toàn cầu là cạnh tranh hoàn hảo (thông tin thị trường, đối thủ, cung cầu được cung cấp đầy đủ, không có chi phí giao dịch và không có các rào cản thương mại), thì các hàng hóa giống hệt nhau sẽ có cùng giá bán ở bất kỳ nước nào nếu quy đổi về cùng một loại tiền tệ.
Hiểu thêm về quy luật một giá
Quy luật một giá được hình thành dựa trên hoạt động kinh doanh chênh lệch giá giữa các quốc gia. Ví dụ, các thương nhân sẽ mua hàng hóa ở nước có mức giá rẻ hơn (giả định là nước A) và bán lại ở nước có mức giá cao hơn (giả định là nước B). Hành vi này làm cho nhu cầu về hàng hóa ở nước A tăng lên và thúc đẩy giá hàng hóa tại nước này tăng lên. Ở phía ngược lại, hoạt động thương mại này sẽ làm nguồn cung hàng hóa ở nước B tăng lên và khiến mức giá hàng hóa ở B giảm xuống. Sau một thời gian trao đổi, mức giá ở hai quốc gia này sẽ tăng hoặc giảm cho đến khi bằng nhau và cuối cùng là hàng hóa ở A, B và những nơi khác trên thế giới sẽ cân bằng tại cùng một mức giá.
Chẳng hạn như một hộp sữa tại thị trường Mỹ và Úc lần lượt có giá là 5$ và 4$. Với khoản giá chênh lệch là 1$, thương nhân sẽ mua sữa tại Úc và bán lại trên thị trường Mỹ để thu lợi nhuận. Điều này vô tình khiến cho nhu cầu và giá sữa ở Úc tăng lên, đồng thời giá sữa ở Mỹ giảm xuống vì nhiều mặt hàng sữa được nhập về hơn, đến một thời điểm nào đó, mức giá ở hai quốc gia này sẽ hội tụ lại và bằng nhau.
Quy luật một giá cũng phù hợp trong đầu tư tài chính. Các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu,… cũng có thể được mua đi bán lại trên thị trường thế giới theo hình thức chênh lệch giá. Ngay cả tỷ giá hối đoái cũng tuân theo quy luật một giá nếu đồng tiền các nước được phép tự do mua bán. Ví dụ, nhà đầu tư sẽ vay tiền ở những nước có lãi suất thấp và cho vay ở những nước có lãi suất cao. Hành vi này tác động đến thị trường tiền tệ (cung cầu tiền tệ) và khiến cho lãi suất các quốc gia trở nên bằng nhau.
Hạn chế của quy luật một giá
Tuy nhiên, quy luật một giá không đúng trong thực tế. Nhìn lại các giả định của quy luật một giá, ta có thể thấy thị trường toàn cầu trên thực tế không hoàn hảo và tồn tại chi phí giao dịch cao, nhiều rào cản thương mại khiến quy luật một giá không chính xác. Chẳng hạn như chi phí vận tải cao khiến cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạn chế mua bán giữa các quốc gia cách xa nhau về mặt địa lý, hay rủi ro về chính trị và an ninh của một quốc gia khiến cho thương nhân hạn chế mua bán ở một số quốc gia nhất định mặc dù có sự chênh lệch lớn về giá hàng hóa. Các rào cản thương mại như thuế quan, hạn ngạch xuất nhập khẩu hay yêu cầu kỹ thuật cũng khiến dòng chảy thương mại bị gián đoạn và khiến quy luật một giá không còn đúng trong thực tế. Đồng thời, vì thông tin trên thị trường không đầy đủ (có người biết nhiều thông tin hơn và có người biết ít thông tin hơn) nên việc mua bán cùng một mức giá dường như khó xảy ra.
Ví dụ trong thực tế
Một ví dụ điển hình của sự hạn chế trong quy luật một giá là Big Mac Index (một chỉ số so sánh về giá burger loại Big Mac của McDonald ở nhiều nước khác nhau). Có thể thấy, ở năm 2020, giá Big Mac cao nhất là ở Thụy Sĩ ($7/burger) và rẻ nhất ở Lebanon ($1.6/burger). Điều này là do ở Thụy Sĩ, chi phí sinh hoạt nhà cửa rất đắt đỏ, chi phí nhân công cao, nguyên liệu không sẵn có, trong khi ở Lebanon thì ngược lại, mọi chi phí đều rất rẻ. Tuy nhiên, quy luật một giá không xảy ra, cũng như không có hoạt động kinh doanh chênh lệch nào diễn ra, do (1) tình hình chiến tranh căng thẳng ở Lebanon nên giao thương trở nên rất rủi ro, (2) Thụy Sĩ có mức thuế nhập khẩu mặt hàng thực phẩm rất cao, trung bình ở ngưỡng 32% năm 2020 và một số mặt hàng lên tới 110% do đó việc xuất khẩu burger sang Thụy Sĩ sẽ tốn rất nhiều chi phí, (3) chi phí vận chuyển burger cũng rất cao và rất khó để vận chuyển do burger là đồ ăn đã qua xử lý, thời hạn sử dụng ngắn, dễ bị ẩm mốc theo thời tiết nên gần như với khoảng cách khoảng 1 tuần theo đường biển từ Lebanon tới Thụy Sĩ thì burger sẽ không thể tiêu thụ được nữa. Do đó, quy luật một giá cho đến nay vẫn chưa thể hiện được tính áp dụng thực tiễn.