top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Phương pháp khấu hao đường thẳng (Straight line depreciation) là gì?

Phương pháp khấu hao đường thẳng (Straight line depreciation) là gì?

“Khấu hao” tức “trừ đi phần hao mòn” là một định nghĩa quen thuộc đối với doanh nghiệp. Một máy móc không thể hoạt động vĩnh viễn, và sẽ có hỏng hóc hoặc xuống cấp trong quá trình sử dụng, đó là lúc các doanh nghiệp cần tính tới chi phí khấu hao để phản ánh hợp lý quá trình sử dụng máy móc của mình.

Phương pháp khấu hao đường thẳng là gì (Straight line depreciation)?


Phương pháp khấu hao đường thẳng (hay còn gọi là phương pháp khấu hao tuyến tính cố định) là phương pháp khấu hao đơn giản nhất, được sử dụng một cách phổ biến để tính khấu hao các loại tài sản hữu hình trong doanh nghiệp.

Theo phương pháp này, mức khấu hao và tỷ lệ khấu hao hàng năm được tính bình quân trong suốt tuổi thọ của tài sản đó. Tuổi thọ này sẽ khác nhau với mỗi loại tài sản khác nhau, chẳng hạn như thiết bị văn phòng như máy in, laptop chỉ có tuổi thọ 2 - 3 năm nhưng nhà xưởng và văn phòng có thể vận hành tới 50 năm. Thường thì cơ quan thuế sẽ trực tiếp đưa ra quy định chung về tuổi thọ của các loại tài sản và doanh nghiệp sẽ phải dựa vào đó để tính chi phí khấu hao hàng năm.

Ngoài ra, trong khi tính khấu hao còn một định nghĩa nữa là là giá trị thu hồi (salvage value). Trong một số trường hợp, doanh nghiệp sẽ không muốn khấu hao và sử dụng hết giá trị máy móc mà để lại một phần giá trị sử dụng để đem thanh lý nhằm thu hồi một phần chi phí để đầu tư máy móc mới. Do đó doanh nghiệp sẽ chỉ lựa chọn khấu hao đến khi giá trị còn lại của tài sản bằng giá trị thu hồi.


Công thức của phương pháp khấu hao đường thẳng


Mức khấu hao đường thẳng hàng năm= (Giá trị ban đầu của tài sản - giá trị thu hồi)/Thời gian hữu dụng hoặc tuổi thọ của tài sản

Ví dụ: Một công ty mua 1 thiết bị có giá trị là 100 triệu đồng, và có thời gian sử dụng trong vòng 5 năm, khấu hao hết giá trị trong thời gian sử dụng. Kết thúc thời hạn sử dụng, công ty dự kiến thiết bị sẽ không còn giá trị sử dụng nữa và giá trị thu hồi là 0 đồng. Từ đó, chi phí khấu hao hàng năm của sản phẩm trên là (100 - 0)/5 = 20 triệu đồng. Và tỷ lệ khấu hao thiết bị hàng năm (depreciation rate) là 20/100 = 20%


Ưu điểm


Các doanh nghiệp thường sử dụng phương pháp khấu hao đường thẳng để tính khấu hao của tài sản hữu hình của doanh nghiệp vì nó dễ sử dụng, áp dụng một công thức máy móc để tính chi phí khấu hao như nhau trong mỗi lần làm kế toán.

Không giống như các phương pháp tính khấu hao khác như là phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần, khấu hao theo sản lượng, phương pháp khấu hao đường thẳng chỉ sử dụng ba biến khác nhau để tính toán khấu hao.


Nhược điểm


Chính sự đơn giản và dễ sử dụng lại là nhược điểm của phương pháp tính khấu hao này. Việc tính toán thời gian sử dụng hay tuổi thọ của tài sản hữu hình này đều theo sự phỏng đoán của doanh nghiệp và chính phủ cũng chỉ có thể đưa ra một khung thời gian hướng dẫn chung chung, ví dụ máy móc thiết bị từ 5 - 15 năm, nhà xưởng từ 25 - 50 năm, nên sự chênh lệch về khấu hao giữa các doanh nghiệp là thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, nhiều máy móc đặc thù có thể hoạt động rất lâu vượt ngoài mốc thời gian đó, hoặc máy móc có năm dùng ít năm dùng nhiều nên khấu hao đường thẳng có thể sẽ không phản ánh chính xác được những chi tiết thực tế đó.

bottom of page