Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Nguyên giá (Historical Cost) là gì?

Giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp được ghi nhận trên sổ sách khi diễn ra các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên qua thời gian, các khoản mục này có thể được đánh giá trên thị trường với giá trị cao hơn hoặc thấp hơn. Hiện tại theo chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS, các nghiệp vụ kinh tế vẫn được ghi nhận theo phương pháp giá gốc, hay còn gọi là nguyên giá.
1. Định nghĩa của nguyên giá
Nguyên giá (historical cost) hay giá trị ban đầu là giá trị mua mới của một tài sản (chẳng hạn như máy móc, thiết bị, công trình,...), bao gồm giá mua thực tế của tài sản đó và các chi phí phát sinh trong quá trình mua sắm và hình thành của tài sản đó. Theo chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính, nguyên giá tài sản sẽ là cơ sở những nhà đầu tư tham khảo về số vốn ban đầu mà doanh nghiệp đã bỏ ra cho tài sản đó, cũng như để tính toán khấu hao hàng năm.
Nguyên giá tài sản được xác định theo công thức:
Nguyên giá tài sản = Giá mua thực tế + các khoản thuế phí phát sinh khi mua tài sản + các chi phí khác liên quan trực tiếp đến quá trình đưa vào vận hành tài sản đó
Trong đó:
- Giá mua thực tế phải được chứng minh bằng hóa đơn mua hàng. Trong trường hợp tài sản không được mua ngoài mà được doanh nghiệp lắp ráp hoặc xây dựng lên thì giá mua = tổng chi phí nguyên vật liệu, nhân công trực tiếp phát sinh trong quá trình lắp ráp hoặc xây dựng
- Các khoản thuế phí phát sinh khi mua tài sản không bao gồm các khoản thuế phí được hoàn lại sau đó, ví dụ VAT khi mua tài sản được hoàn lại nên sẽ không được tính vào nguyên giá tài sản;
- Các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa vào vận hành một tài sản phải chi ra được đưa vào nguyên giá chỉ bao gồm:
Lãi vay từ các khoản nợ phát sinh trong quá trình đầu tư, mua sắm và xây dựng tài sản đó, tính từ thời điểm bắt đầu tạo ra tài sản cho đến lúc đưa tài sản vào hoạt động chính thức;
Chi phí vận chuyển, bốc dỡ máy móc tài sản đến khu vực sử dụng;
Chi phí lắp đặt, chạy thử cần thiết để máy móc thiết bị có thể đảm bảo hoạt động ổn định;
Chi phí thuê chuyên gia cần thiết để đưa máy móc tài sản vào vận hành. Những chi phí thuê chuyên gia để đào tạo nhân viên cách sử dụng sẽ không được tính vì nó được cho là “không cần thiết để máy móc tài sản vận hành”
Các chi phí liên quan trực tiếp khác.
- Những chi phí không được tính vào nguyên giá tài sản bao gồm:
Chi phí quản lý chung chung của doanh nghiệp phát sinh từ những hoạt động không liên quan trực tiếp đến việc hình thành tài sản máy móc
Những chi phí phát sinh sau khi tài sản đã đi vào hoạt động
Chi phí các sản phẩm demo, sản phẩm lỗi được sản xuất từ máy móc thiết bị đó, kể cả khi những sản phẩm đó xuất phát từ quá trình chạy thử máy móc thiết bị do chúng không đóng góp “trực tiếp với việc máy móc vận hành”
2. Nguyên tắc giá gốc trong kế toán
Theo chuẩn mực kế toán, nguyên tắc giá gốc (Historical cost principle) là nguyên tắc kế toán theo đó các khoản mục tài sản và nợ phải trả được ghi nhận theo nguyên giá (tức giá gốc ban đầu khi hình thành) trên BCTC và không điều chỉnh khoản mục này trong suốt quá trình sử dụng. Điều này như đã nói sẽ giúp các nhà đầu tư thấy được giá trị thực tế ban đầu của tài sản và các khoản nợ, từ đó đưa ra được nhiều đánh giá chính xác về tình hình sử dụng tài sản của doanh nghiệp.
Ví dụ: Năm thứ nhất doanh nghiệp mua 1 máy dập khuôn có nguyên giá 20 triệu đồng. Đến năm thứ 5 lô hàng này có giá trị 30 triệu đồng theo giá thị trường. Tuy nhiên, theo nguyên tắc kế toán, doanh nghiệp vẫn phải ghi nhận trên BCTC theo nguyên giá của lô hàng là 20 triệu đồng và không được điều chỉnh theo giá thị trường.
Có thể dễ dàng nhận thấy nguyên tắc giá gốc là một cách ghi nhận đơn giản, cơ bản vẫn đảm bảo được tính nhất quán của thông tin kế toán. Tuy nhiên hạn chế của nó là thông tin quá khứ không thể hỗ trợ việc ra quyết định kinh tế tại thời điểm hiện tại. Đặt biệt đối với các nhà đầu tư và chủ nợ, họ sẽ ưu tiên theo dõi giá trị hợp lý của các khoản mục tài sản, nợ phải trả mà doanh nghiệp đang nắm giữ hơn là nhìn vào một con số trong quá khứ đã không còn đúng ở thời điểm hiện tại nữa.