Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Nguồn Vốn (Capital) và phân loại vốn trong doanh nghiệp

Nguồn vốn của một doanh nghiệp là chỉ những nguồn lực (tài sản, máy móc, tiền bạc, bằng sáng chế,...) mà doanh nghiệp tự có hoặc đi vay mượn. Có thể nói, nguồn vốn là yếu tố then chốt đối với hoạt động của bất kỳ đơn vị nào, và định nghĩa nguồn vốn áp dụng từ một doanh nghiệp nhỏ, một tập đoàn lớn hay toàn bộ nền kinh tế.
Nguồn vốn được sử dụng như thế nào?
Nguồn vốn được các công ty sử dụng thường xuyên để thanh toán cho quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhằm tạo ra lợi nhuận. Các công ty cũng sử dụng nguồn vốn để đầu tư vào máy móc và con người với mục đích mở rộng sản xuất hoặc xây dựng thêm các hạng mục mới. Một doanh nghiệp hoặc cá nhân thành công là doanh nghiệp tìm được cách tối thiểu hóa nguồn vốn sử dụng trong khi tối ưu hóa được lợi ích thu về.
Với một số ngành nghề đặc thù như ngành ngân hàng, nguồn vốn mang ý nghĩa quan trọng hơn cả. Ở Việt Nam, các ngân hàng được yêu cầu nắm giữ một lượng vốn tối thiểu như một cách để giảm thiểu rủi ro (gọi là tỷ lệ dự trữ bắt buộc) theo chỉ dẫn của các ngân hàng trung ương và các quy định trong ngành ngân hàng. Nguồn vốn cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động cho vay của các định chế tài chính (ngân hàng, chứng khoán, công ty tín dụng). Nguồn vốn ít thì hoạt động cho vay sẽ khó khăn, chi phí huy động vốn cũng tăng lên và từ đó ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Do đó, với các định chế tài chính, nguồn vốn là khái niệm được chú ý nhiều nhất.
Các loại vốn trong doanh nghiệp
Vốn lưu động
Vốn lưu động (Working capital) là nguồn vốn mà doanh nghiệp thu được trong quá trình sản xuất kinh doanh và phục vụ cho các hoạt động chi tiêu thường xuyên của doanh nghiệp. Ví dụ như: Tiền mua mới nguyên liệu, tiền trả lương cho nhân viên, thanh toán các khoản nợ ngân hàng đến hạn. Một doanh nghiệp có lợi nhuận cao đến đâu, nhưng nếu không đáp ứng đủ vốn lưu động cũng sẽ khiến việc kinh doanh bị gián đoạn. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới phá sản.
Công thức cách tính vốn lưu động
Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ phải trả ngắn hạn
Trong đó:
- Tài sản ngắn hạn là các tài sản mà có thể dễ dàng chuyển đổi ngay thành tiền mặt trong thời gian ngắn, đây là tài sản có tính thanh khoản cao. Ví dụ như tiền gửi, trái phiếu thời hạn dưới 1 năm, vàng bạc, ngoại tệ, hàng hóa, các khoản bán chịu,...
- Nợ phải trả ngắn hạn là các khoản nợ có thời hạn dưới 1 năm. Bao gồm các khoản nợ ngân hàng và cả các khoản mua chịu.
Vốn vay nợ
Một doanh nghiệp có thể có được vốn bằng cách đi vay. Đây là nguồn vốn từ vay nợ, và có thể thu được thông qua các nguồn tư nhân (phát hành trái phiếu, vay từ cá nhân), ngân hàng (ký hợp đồng vay vốn) hoặc chính phủ (vay từ ngân sách nhà nước hoặc địa phương).
Doanh nghiệp phải có lịch sử tín dụng để vay được vốn. Vốn vay nợ sẽ đi kèm với một số điều kiện như phải trả lãi đều đặn, thế chấp một tài sản có giá trị nhất định, các khoản phạt nếu như chậm trả nợ vay. Thực tế hiện nay, nhiều cá nhân xem nợ là gánh nặng, nhưng các doanh nghiệp lại coi đó là cơ hội. Đó là cách để các doanh nghiệp có thể có được một khoản tiền đủ lớn để trả cho khoản đầu tư hiện tại để đổi lấy tăng trưởng trong tương lai. Nhưng các ngân hàng và người cho vay của doanh nghiệp cũng thường phải chú ý sát sao tới mức độ vay nợ để tránh trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ.
Phát hành trái phiếu là một cách ưa thích của các tập đoàn để huy động vốn nợ, đặc biệt là khi lãi suất hiện hành đang ở mức thấp, khiến việc đi vay trở nên rẻ hơn. Ví dụ, vào năm 2020 ở Mỹ, lãi suất đi vay bằng trái phiếu doanh nghiệp trung bình đạt mức thấp nhất trong nhiều năm khoảng 2,3%, vì lẽ đó việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty Hoa Kỳ đã tăng 70% so với năm trước. Ở nhiều nước khác như Nhật Bản hoặc châu Âu, lãi suất đi vay bằng trái phiếu chỉ ~0 - 1%/năm, và vay vốn gần như miễn phí để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu vực.
Có 2 loại vốn vay nợ là nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.
- Nợ ngắn hạn: Đây là khoản nợ với thời hạn thanh toán ngắn, thường là dưới 1 năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh. Nợ ngắn hạn bao gồm như vay ngắn hạn, tiền đặt trước của người mua ngắn hạn, các khoản phải trả ngân sách nhà nước, trả lương cho nhân viên… Thậm chí, nợ ngắn hạn còn bao gồm những khoản vay trong ngày để phục vụ chi tiêu nhất định
- Nợ dài hạn: Khoản nợ có thời hạn thanh toán trên 1 năm hay trên 1 chu kỳ kinh doanh. Các khoản này được vay nợ lâu dài nhằm mục đích đầu tư một dự án nào đó hoặc Đối với các khoản nợ dài hạn, cần có giấy tờ chứng minh thêm nếu muốn đi vay như giấy chứng nhận đầu tư, báo cáo tài chính và kế hoạch sử dụng vốn vay.
Vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu là phần tài sản thuần của doanh nghiệp, thuộc sở hữu của cổ đông. Các chủ sở hữu góp vốn để cùng nhau tiến hành một hoạt động sản xuất, kinh doanh và cùng chia sẻ lợi nhuận tạo ra từ các hoạt động của doanh nghiệp cũng như cùng gánh chịu những khoản lỗ nếu kinh doanh không có lãi.
Vốn chủ sở hữu là một trong những nguồn tài trợ thường xuyên trong doanh nghiệp. Khi nào đơn vị ngừng hoạt động hoặc phá sản, các chủ nợ, ngân hàng, cán bộ nhân viên và chính phủ sẽ được ưu tiên trả nước trước, sau đó tài sản còn lại mới chia cho các chủ sở hữu theo tỷ lệ vốn góp của họ. Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, nguồn vốn chủ sở hữu sẽ được hình thành khác nhau và bao gồm 3 loại vốn cơ bản:
- Vốn góp: Đây là số tiền mà các chủ sở hữu đã đóng góp ngay từ ban đầu khi thành lập hoặc có thể được bổ sung trong quá trình hoạch động.
- Lợi nhuận chưa phân phối: Là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh được tích lũy lại qua các năm mà chưa được sử dụng cho bất kỳ mục đích gì
- Vốn chủ sở hữu khác: Bao gồm các quỹ trong nội bộ ví dụ như quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ dự phòng rủi ro. Quỹ này không phải từ hoạt động kinh doanh và không phải được góp vào, mà được trích từ lợi nhuận chưa phân phối chuyển sang và sẽ được sử dụng dần cho những mục đích đã đề ra của quỹ.