Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Lý thuyết X và Y của McGregor (X&Y Theory)

Lý thuyết X và Lý thuyết Y lần đầu tiên được Douglas McGregor đề cập trong cuốn sách "The Human Side of Enterprise" vào những năm 1960. Hai lý thuyết này nói đến phong cách quản lý trái ngược nhau ở các doanh nghiệp, trong đó một bên thúc đẩy con người làm việc thông qua sự độc đoán của người quản lý, còn một mặt thúc đẩy thông qua việc khuyến khích cả tập thể lao động tham gia vào công việc.
Thuyết X muốn nói về điều gì?
Nhà quản lý theo lý thuyết X được xem là những người có góc nhìn tiêu cực về con người. Những nhà quản lý theo thuyết X cho rằng con người không thích làm việc và chỉ có ít động lực để hoàn thành các công việc và các thành viên trong doanh nghiệp hầu hết đều ít tham vọng và sẽ trốn tránh công việc của mình nếu có thể. Dưới góc độ của McGregor, các doanh nghiệp theo lý thuyết X thường có xu hướng có nhiều cấp quản lý để giám sát công việc đến từng công đoạn nhỏ nhất. Quyền lực trong tay các nhà quản lý này hiếm khi được phân quyền, và quyền kiểm soát vẫn chỉ tập trung vào các cấp phía trên. Hay nói một cách đơn giản, các nhà quản lý theo thuyết X sẽ độc đoán hơn và tích cực can thiệp vào công việc để hoàn thành nhiệm vụ.
Thuyết Y muốn nói về điều gì?
Ngược lại, dưới góc độ lý thuyết Y, các nhà quản lý có quan điểm tích cực về nhân viên của họ và họ sử dụng phong cách quản lý phân quyền, có sự tham gia của mọi người. Điều này thúc đẩy sự liên kết giữa các cá nhân và tận dụng sự tin cậy giữa người quản lý và các thành viên trong nhóm. Dưới góc độ lý thuyết Y, con người sẽ chủ động và tự giác trong việc thực hiện những gì mà họ cam kết, đồng thời, họ không chỉ chấp nhận mà còn tìm kiếm trách nhiệm cho mình. Bên cạnh đó, lý thuyết Y còn đề cao các kỹ năng và sự sáng tạo cá nhân giúp doanh nghiệp tận dụng các điểm mạnh của từng cá nhân và hạn chế sự gò bó trong doanh nghiệp
Đa số các nhà quản lí và bản thân Gregor thì tin rằng các giả thuyết của thuyết Y phù hợp với thực tế hơn thuyết X vì điều này sẽ giảm bớt áp lực cho cấp quản lý và hạn chế hiện tượng thắt cổ chai về công việc; bên cạnh đó, ông cũng cho rằng thuyết Y có thể áp dụng được trong các tổ chức có quy mô lớn và quản lí xã hội. Tuy nhiên, đôi lúc phương án tốt nhất vẫn có thể là kết hợp cả hai, vẫn thúc đẩy tinh thần gắn bó của mỗi nhân viên nhưng vẫn giám sát cẩn thận các công việc hàng ngày. Các nhà quản lý có thể cân nhắc ứng dụng từng thuyết theo từng giai đoạn của công việc, hay cũng có thể cân nhắc để ứng dụng theo từng phòng ban – chức vụ khác nhau trong chính doanh nghiệp của mình nhằm tối đa hóa tiềm năng hiện có và hướng tới việc giám sát các thành viên hiệu quả hơn.
Ví dụ thực tế
Apple Inc dưới thời Steve Jobs là một trong những doanh nghiệp lớn linh hoạt giữa lý thuyết X và Y. Trong lý thuyết X, người lao động chịu sự quản lý chặt chẽ của chủ doanh nghiệp. Thật vậy, Steve Jobs áp dụng cách quản lý có xu hướng độc đoán để ổn định công việc. Ví dụ, khi mọi người không ủng hộ dự án Macintosh, Steve Jobs đã sa thải những người chống lại và thuê những công nhân tuyệt vời khác. Tuy nhiên, ông ấy vẫn giữ những người có thể làm việc với sự trung thành như lập trình viên nhóm A, giám đốc điều hành và nhà thiết kế. Đồng thời, Steve Job cũng sử dụng lý thuyết Y của McGregor. Ông tin rằng công nhân của mình sẽ làm việc hết khả năng của họ nếu được thúc đẩy và khuyến khích đúng cách. Ví dụ, Ratzlaff, một giám đốc sáng tạo của Apple Inc., đã tạo ra một thiết kế tuyệt vời cho iMac. Steve Jobs khen ngợi Ratzlaff và Ratzlaff cảm thấy hạnh phúc vì điều đó (bởi Steve Jobs là một người có kỳ vọng cao mà hầu như không ai có thể cho ông những gì ông muốn).