top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Liên minh kinh tế (Economic Union)

Liên minh kinh tế  (Economic Union)

Ở bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về Thị trường chung (Common Market), và chuyên mục Thuật ngữ kinh tế hôm nay sẽ là những kiến thức về Liên minh kinh tế (Economic Union). Liên minh kinh tế là cấp độ hội nhập kinh tế thứ 4 sau thị trường chung (Common Market). Vậy Liên minh kinh tế (Economic Union) là gì, đặc điểm và các ví dụ về liên minh kinh tế như thế nào?

Liên minh kinh tế (Economic Union) là gì?


Liên minh kinh tế có tên tiếng Anh là Economic union.


Liên minh kinh tế là cấp độ hội nhập kinh tế thứ 4 sau thị trường chung (Common Market). Trong đó, tất các đặc điểm của các cấp độ hội nhập trước được áp dụng bao gồm:

- Xoá bỏ thuế quan và những rào cản phi thuế quan đối với phần lớn hàng hóa, dịch vụ giữa các nước thành viên.

- Thiết lập và thống nhất một mức thuế quan chung giữa các nước thành viên với các nước khác ngoài liên minh.

- Cho phép dòng vốn và lao động di chuyển tự do giữa các nước thành viên mà không phải chịu những rào cản như thuế thu nhập quy định cho người nước ngoài hay tỷ lệ vốn được nắm bởi nhà đầu tư ngoại quốc, tạo nên một thị trường thống nhất giống như trong một nước.

- Điểm mới ở cấp độ này là các nước trong liên minh sẽ áp dụng các chính sách tiền tệ và tài khóa chung. Các nền kinh tế sẽ được điều tiết với hệ thống luật và quy định giống nhau.


Đặc điểm của liên minh kinh tế


- Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm được thống nhất giữa các quốc gia thành viên,

- Các chính sách trong các ngành được xây dựng và ban hành chung cho cả khối,

- Các quy định luật pháp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như cạnh tranh, mua bán sáp nhập được chuẩn hóa.

Liên minh kinh tế cao hơn các cấp độ hội nhập kinh tế khác vì trong liên minh kinh tế không chỉ phối hợp toàn diện các chính sách kinh tế - xã hội, mà còn hình thành hệ thống pháp luật và quy định mang tính đa quốc gia, ví dụ như Ngân hàng chung Châu Âu - nơi đưa ra những quyết định có tính ràng buộc đối với các quốc gia thành viên, thể hiện ở chính sách tiền tệ và tài khóa chung.

Khi các nước trong một liên minh kinh tế sử dụng một đồng tiền chung thì đó được gọi là liên minh tiền tệ.


Các ví dụ về liên minh kinh tế


Liên minh châu Âu (European union - EU)

Châu Âu đã phát triển liên minh kinh tế thông qua hệ thống luật pháp tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các nước thành viên nhằm đảm bảo sự lưu thông tự do về con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn.

Trong đó, 19 Quốc gia thành viên EU và 5 quốc gia châu Âu khác chấp nhận sử dụng đồng tiền chung Euro bao gồm: Andorra, Áo, Bỉ, Síp, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Ý, Kosovo, Latvia, Luxembourg, Malta, Monaco, Montenegro, Hà Lan, Bồ Đào Nha, San Marino, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Thành phố Vatican.


Khối cộng đồng và thị trường chung Caribe (CARICOM Single Market and Economy (CSME)

Thị trường chung và cộng đồng Caribe - CARICOM ra đời vào năm 1973 nhằm tự do hóa hoạt động du lịch, cho phép di chuyển tự do các yếu tố sản xuất, kể cả công nhân có tay nghề cao và chuyên gia.

CSME được cấu thành bởi 12 quốc gia thành viên, bao gồm Barbados, Belize, Antigua - Barbuda, Dominica, Jamaica, Grenada, Guyana, St. Kitts - Nevis, St. Lucia, St. Vincent - Grenadines, Suriname, và Trinidad - Tobago.


Ưu điểm của Liên minh Kinh tế


Một số ưu điểm của liên minh kinh tế bao gồm:

- Thu hút dòng vốn đầu tư lớn hơn vào các nước thành viên trong liên minh do quy mô kinh tế chung được mở rộng. Ví dụ như rất ít nhà đầu tư muốn đổ tiền vào Slovakia (một nước thành viên của EU) vì quy mô kinh tế quá bé. Tuy nhiên, khi gia nhập liên minh, dòng vốn sẽ đổ nhiều hơn vào Slovakia do nhà đầu tư gián tiếp đổ tiền vào khối EU khiến nước này được hưởng lợi.

- Thuế ở cả trong và ngoài liên minh được thống nhất và tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và trao đổi dịch vụ thuận lợi giữa các nước thành viên.

- Sự hội nhập của các nền kinh tế thị trường, tài chính và các chính sách kinh tế chung cho phép các thành viên trong liên minh kinh tế có thể có một mô hình kinh tế hiệu quả khi nhiều nhà kinh tế cho rằng nó sẽ giúp các nước kém phát triển tránh được những vấn nạn như chính phủ chi tiêu quá mức, đầu tư công không hiệu quả, điều chỉnh lãi suất điều hành không hiệu quả,...

- Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng giảm, do người lao động có cơ hội tìm được việc làm ở các nước thành viên khác.


Nhược điểm của liên minh kinh tế


Một số nhược điểm của liên minh kinh tế bao gồm:

- Giá đất và bất động sản có thể tăng vọt. Bởi các nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm đất và bất động sản giá rẻ giữa các nước thành viên nhờ sự cho phép di chuyển tự do của vốn. Một điển hình là khi đầu tư bất động sản trở nên tự do trong khu vực E.U, nhiều bất động sản tại các quốc gia như Anh, Pháp, Đức đã trở nên đắt đỏ

- Vấn đề tiêu chuẩn hóa các quy định và pháp luật chung trong liên minh sẽ mất khá nhiều thời gian vì mỗi chính sách sẽ yêu cầu sự đồng thuận của nhiều thành viên khác nhau trong liên minh, dẫn tới chậm trễ trong việc thực hiện chính sách.

- Động cơ về lợi ích kinh tế nội bộ thường dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các nước thành viên. Các quốc gia thành viên có nền kinh tế lớn mạnh hơn có khả năng chiếm ưu thế hơn trong việc đưa ra các quyết định và chính sách, có thể gây bất lợi cho những nước có nền kinh tế yếu hơn. Điển hình như việc các quốc gia lớn trong liên minh sẽ đòi hỏi những quốc gia nhỏ hơn không được bán phá giá hàng hóa trong khu vực, dẫn tới cạnh tranh của những nước nhỏ trở nên khó khăn hơn nhiều mặc dù họ có lợi thế về chi phí sản xuất và lao động.

- Chảy máu chất xám: Những người có trình độ học vấn cao hơn rời quê hương để theo đuổi các cơ hội việc làm tốt hơn ở các nước thành viên khác.

- Các quốc gia thành viên có xu hướng phụ thuộc với nhau hơn. Vì vậy, khủng hoảng ở một quốc gia có thể làm ảnh hưởng các quốc gia liên minh khác. Ví dụ, liên minh EU đã liên tục phải đưa ra những gói kích thích kinh tế để hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp vì quốc gia này gắn liền với nền kinh tế của nhiều thành viên khác. Nếu như Hy Lạp vỡ nợ, nhiều khả năng đồng tiền chung châu Âu sẽ mất giá, hoặc các khoản tài chính mà EU hỗ trợ cho Hy Lạp sẽ mất trắng.

bottom of page