top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Lạm phát (Inflation)

Lạm phát (Inflation)

Năm 2015 một gói xôi có giá 5000 đồng, đến năm 2021 bạn mua 1 gói xôi cũng như vậy nhưng với giá 15.000 đồng. Sự chênh lệch giá cả trong mua bán giữa các mốc thời gian khác nhau này chính là đến từ lạm phát. Vậy lạm phát (inflation) là gì, những nguyên nhân nào dẫn đến lạm phát và có những cách kiểm soát lạm phát nào?

Lạm phát là gì?


Lạm phát là trường hợp sức mua trên một đơn vị tiền tệ hay giá trị của một đồng tiền bị suy giảm theo thời gian. Trường hợp xảy ra khi mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ đều tăng lên, và với cùng một đồng tiền nhưng sau khi lạm phát sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với thời điểm trước đó.


Phân loại lạm phát?


Lạm phát hiện nay có 3 mức độ, thể hiện mức độ ảnh hưởng khác nhau với nền kinh tế:

  • Lạm phát tự nhiên (Moderate inflation): tỷ lệ lạm phát từ 0 - 10%, giá cả tăng chậm và có thể dự đoán được. Khi giá tương đối ổn định, mọi người tin tưởng vào đồng tiền, họ sẵn sàng giữ tiền vì nó hầu như giữ nguyên giá trị trong vòng một tháng hay một năm. Ví dụ tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2020 ở mức 3.2%, về cơ bản diễn biến lạm phát năm 2020 tương đối sát với dự báo từ đầu năm 2020.

  • Lạm phát phi mã (Galloping inflation): tỷ lệ lạm phát từ 10% - 1000% (lạm phát từ 2 đến 3 chữ số). Đồng tiền bắt đầu mất giá trị rất nhanh, không ai muốn giữ tiền mặt mà mọi người chỉ giữ lượng tiền tối thiểu cần thiết cho việc thanh toán hằng ngày. Mọi người thích giữ hàng hóa, vàng hoặc ngoại tệ vì giá trị của chúng độc lập so với giá trị đồng tiền. Thực tế, Việt Nam đã từng trải qua lạm phát phi mã, điển hình nhất là vào năm 1986 khi tỷ lệ lạm phát lên đến 775%. Đây là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chuyển mình từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường và xảy ra nhiều sự kiện ảnh hưởng đến giá cả như cuộc cải cách giá lương tiền.

  •  Siêu lạm phát (Hyperinflation): tỷ lệ lạm phát lúc này trên 1000%. Đồng tiền gần như mất giá hoàn toàn. Các giao dịch diễn ra trên cơ sở hàng hóa đổi lấy hàng hóa, tiền lúc này không còn giữ được chức năng trao đổi. Năm 1923, Đức trải qua thời kỳ siêu lạm phát với tỷ lệ 10.000.000.000%, và những đồng tiền lúc bấy giờ trở nên không có giá trị đối với người dân Đức.


Nguyên nhân dẫn đến lạm phát


Nguyên nhân lạm phát xảy ra chủ yếu từ: Lạm phát do nhu cầu tăng cao, lạm phát chi phí tăng, lạm phát do gia tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế, lạm phát dự kiến.

  • Lạm do nhu cầu tăng cao (demand pull inflation): khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng lên vượt quá mức cung có sẵn, mức giá chung có xu hướng tăng lên.

  • Lạm phát chi phí tăng (cost push inflation): Giá cả tăng lên do các chi phí sản xuất mặt hàng đó tăng lên, chẳng hạn như giá nguyên liệu và tiền lương tăng lên do một yếu tố nào đó. Lúc này mặc dù nhu cầu hàng hóa không đổi, nhưng nguồn cung hàng hóa lại giảm do chi phí sản xuất cao hơn. Kết quả là, chi phí sản xuất tăng thêm được chuyển cho người tiêu dùng dưới hình thức giá thành phẩm cao hơn để bảo toàn lợi nhuận dẫn đến mức giá chung của nền kinh tế tăng lên.

  • Lạm phát do gia tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế: Ngân hàng trung ương giảm lãi suất cho phép các doanh nghiệp và người tiêu dùng vay nhiều tiền hơn bình thường. Lượng tiền có sẵn trong nền kinh tế lúc này tăng lên dẫn đến nhu cầu của nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng lên và mức giá chung của các mặt hàng do đó tăng theo. Hoặc, khi Ngân hàng Trung ương in thêm tiền, sẽ có nhiều tiền được lưu hành hơn trong khi lượng hàng hóa có giới hạn, dẫn đến giá cả tăng lên mạnh mẽ. Do đó lượng cung tiền trong nền kinh tế cũng là cơ sở quan trọng trong việc xác định mặt bằng giá cả.

  • Lạm phát dự kiến (expected inflation): Khi giá cả chung các mặt hàng tăng đều, duy trì một tỉ lệ tương đối ổn định theo thời gian dài thì người ta có thể dự tính trước mức độ của nó và điều chỉnh giá hàng hóa dịch vụ theo mức tương ứng, tạo thành đúng mức lạm phát thực tế bằng với lạm phát dự kiến.


Công thức đo lường lạm phát


Tỷ lệ lạm phát được xác định bởi công thức:

Tỷ lệ lạm phát (%) = [( Giá trung bình của hàng hóa dịch vụ năm T - Giá trung bình của hàng hóa dịch vụ năm T-1)/ Giá trung bình của hàng hóa dịch vụ năm T-1]*100


Hiện nay, hầu hết các quốc gia sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI - chỉ số đo lường sự thay đổi trung bình của giá theo thời gian mà người tiêu dùng trả cho một lượng hàng hóa và dịch vụ.) để đo lường mức độ lạm phát:

Tỷ lệ lạm phát (%) = [( Chỉ số CPI năm T - Chỉ số CPI năm T-1)/Chỉ số CPI năm T-1]*100


Ưu điểm và hạn chế


Ưu điểm:

Khi lạm phát ở mức tự nhiên (0 - 10%/năm), nó mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế bao gồm:

  • Kích thích chi tiêu, đầu tư: Lạm phát làm giảm đi giá trị của tiền mặt, nó khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu và đầu tư những mặt hàng chậm mất giá như kim loại quý hoặc những mặt hàng sẽ có tăng trưởng về giá trị theo thời gian như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển

  • Khuyến khích vay nợ: Khi lạm phát tăng lên, người đi vay sẽ có lợi trong việc vay vốn. Ví dụ người đi vay thực hiện vay 10 đồng với lãi suất 10% (1 đồng/năm), và mức lương của người đó là 20 đồng/năm. Khi lạm phát = 10%, mức lương người đi vay tăng lên 22 đồng/năm, trong khi vẫn chỉ phải trả 1 đồng/1 năm nên sẽ được lợi, trong khi người cho vay bị thiệt vì giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt tăng lên mà lãi từ cho vay không đổi.

  • Giảm tỷ lệ thất nghiệp: Điều này xảy ra khi lạm phát duy trì ở một tỷ lệ nhất định, mức tiền lương cho người lao động trên sổ sách vẫn giữ nguyên theo hợp đồng nhưng chi phí tiền lương thực tế mà doanh nghiệp phải trả người lao động đã giảm xuống do tiền mất giá và do đó doanh nghiệp có thể thuê thêm công nhân để mở rộng sản xuất hoặc gia tăng lợi nhuận.


Hạn chế:

  • Mặt bằng lãi suất sẽ tăng lên: Khi tỷ lệ lạm phát cao, và người dân giữ tiền mặt để mua hàng hóa nhiều hơn, dẫn tới ngân hàng thiếu vốn và các ngân hàng thường phải tăng lãi suất tiền gửi hấp dẫn người gửi tiết kiệm trở lại. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến hậu quả mà nền kinh tế phải gánh chịu là lãi suất đi vay tăng cao, suy thoái kinh tế và thất nghiệp gia tăng.

  • Thu nhập thực tế giảm: Thu nhập thực tế = Thu nhập danh nghĩa (thu nhập được quy định trong hợp đồng lao động) - Lạm phát. Khi lạm phát tăng lên mà thu nhập danh nghĩa không thay đổi thì nghĩa là trên thực tế, người lao động đó kiếm được ít hơn lúc trước khi mặt bằng giá cả xung quanh đều đã tăng lên đáng kể.

  • Phân phối thu nhập không bình đẳng: Lạm phát tăng cao còn khiến một số người có thu nhập cao sẽ tích trữ và thu gom trước hàng hoá, tài sản để đầu cơ, dẫn tới mất cân đối nghiêm trọng quan hệ cung - cầu hàng hoá trên thị trường, giá cả hàng hoá cũng lên cơn sốt cao hơn. Người có thu nhập thấp sẽ gặp khó khăn về chi phí sinh hoạt trong khi người có thu nhập cao và tích trữ có thể hưởng lợi từ đợt tăng giá này và tạo ra khoảng cách lớn về thu nhập giàu / nghèo trong xã hội.

  • Nợ quốc gia tăng: Lạm phát đã làm giá trị đồng tiền của một quốc gia đó giảm nhanh so với đồng tiền của các quốc gia khác, đồng nghĩa với việc nước đó sẽ gặp khó khăn để trả các khoản nợ nước ngoài khi mà đồng tiền họ kiếm được đang mất giá nhanh chóng còn các khoản nợ nước ngoài lại tiếp tục phình to.


Kiểm soát lạm phát


Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát ở mức an toàn và ổn định thông qua:

  • Chính sách thắt chặt tiền tệ

  • Tăng lãi suất: Làm giảm chi tiêu mua sắm hàng hóa trong nền kinh tế, hấp dẫn người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn làm giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, kìm hãm được lạm phát.

  • Hoạt động thị trường mở: Ngân hàng trung ương bán ra trái phiếu, tín phiếu,... để huy động vốn trong nền kinh tế cũng dẫn đến làm giảm lượng cung tiền và kiềm chế lạm phát

  • Kiểm soát lượng tiền được in ra, vì lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế chính là nguyên nhân chính dẫn đến siêu lạm phát.

  • Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (tỷ lệ tiền mặt mà ngân hàng thương mại phải ký gửi để dự trữ trong kho của ngân hàng trung ương nhằm đề phòng rủi ro): Ngân hàng trung ương yêu cầu các ngân hàng thương mại đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Khi lạm phát xảy ra tỷ lệ này sẽ được tăng lên làm giảm cung tiền trong nền kinh tế.

  • Chính sách thắt chặt tài khóa

  • Chính phủ giảm chi tiêu, đầu tư công và tăng thuế: biện pháp giúp cải thiện tình hình ngân sách của chính phủ, đồng thời giúp giảm nhu cầu hàng hóa trong nền kinh tế.

  • Ngoài ra, kiểm soát tiền lương người lao động ở mức vừa phải bằng những văn bản pháp luật hoặc chính sách, quy định giúp giảm lạm phát do chi phí đẩy và cầu kéo.

bottom of page