top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area) là gì?

Khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area) là gì?

Khu vực mậu dịch tự do (FTA) là khu vực có một nhóm các nước đã ký hiệp định thương mại tự do, và đồng ý duy trì rất ít hoặc không có rào cản thuế quan hoặc hạn ngạch thương mại giữa các nước với nhau.
Các khu vực mậu dịch tự do góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và những lợi ích liên quan như phân bổ lao động hợp lý hơn, và chuyên môn hóa sản xuất giữa các quốc gia, từ đó tăng cường lợi thế về sản lượng và chi phí sản xuất của các mặt hàng trong khu vực FTA so với các nước ngoài khu vực FTA.

Đặc điểm của Khu vực mậu dịch tự do


  • Trong khu vực mậu dịch tự do, có ít hoặc không có rào cản thương mại giữa các quốc gia thành viên. Các nước sẽ thống nhất đưa các mức thuế trong khu vực của hầu hết các mặt hàng về 0%, có thể ngay lập tức hoặc theo lộ trình nhất định tính theo năm.

  • Các nước thành viên vẫn giữ quyền độc lập tự chủ trong việc quyết định quan hệ giao thương với các nước ngoài khu vực (tự do quy định mức thuế, hạn ngạch thương mại,... với các nước bên ngoài FTA).

  • Các khu vực mậu dịch tự do có chiều hướng thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa các quốc gia thành viên và tạo điều kiện tăng cường chuyên môn hóa tương ứng với lợi thế so sánh hoặc lợi thế tuyệt đối của mỗi quốc gia trong đó.

  • Để tạo nên một khu vực mậu dịch tự do, các quốc gia thành viên phải xây dựng các quy tắc hoạt động.


Ví dụ: Thủ tục hải quan nào được đặt ra giữa các nước? Nếu áp đặt thuế, loại nào được cho phép và cụ thể là bao nhiêu? Các nước tham gia sẽ giải quyết tranh chấp thương mại theo quy trình nào? Các quy tắc ứng xử khi xảy ra tranh chấp? Quyền sở hữu trí tuệ sẽ được bảo vệ và quản lý thế nào?

Những câu hỏi này thường không đơn giản để trả lời, căn cứ vào những ảnh hưởng chính trị và mối quan hệ giữa các quốc gia.


Thương mại tự do mang tới cả cơ hội và thách thức


Đối với người tiêu dùng, khi chính phủ giảm hoặc loại bỏ thuế quan, hàng hóa nước ngoài với giá rẻ hơn và chất lượng cao hơn sẽ dễ dàng được tiếp cận. Đối với các nhà sản xuất, họ có thể phải cạnh tranh căng thẳng hơn, nhưng họ cũng có thể tiếp cận một thị trường mới rộng hơn với các khách hàng hoặc nhà cung cấp tiềm năng.


Ví dụ: Khi Việt Nam tham gia vào tổ chức ASEAN, thị trường gạo trong nước không chỉ có loại gạo Việt Nam mà còn có cả gạo tám Thái đỏ,… Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn với nhiều mức giá đa dạng. Các nhà sản xuất gạo của Việt Nam sẽ đối mặt với cạnh tranh nội địa cao hơn nhưng cùng với đó là cơ hội hoạt động ở thị trường nước ngoài như bán gạo ST25 sang Lào, Indonesia, Phillipines.

Người lao động ở một số ngành nghề ít có lợi thế so sánh với các nước trong FTA có thể sẽ mất việc làm do bị cạnh tranh và phải đối mặt với những khó khăn khi dịch chuyển sản xuất chuyển sang những lĩnh vực khác.


Các khu vực mậu dịch tự do Việt Nam tham gia


Việt Nam tham gia vào các FTA song phương và đa phương như: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, các hiệp định FTA Việt Nam – EU, Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương CPTPP,…


STT - Tên viết tắt - Tên đầy đủ - Năm có hiệu lực


1 - AFTA - Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - 1993

2 - ACFTA - Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc - 2003

3 - AKFTA - Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc - 2007

4 - AJCEP - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản - 2008

5 - VJEPA - Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản - 2009

7 - AANZFTA - Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN -Australia-New Zealand - 2010

8 - VCFTA - Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Chi Lê - 2014

9 - VKFTA - Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc - 2015

10 - VN-EAEU FTA - Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu - 2016

11 - CPTPP - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - 2018

12 - AHKFTA - Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) - 2019

13 - EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu - 2020

14 - VN-EFTA FTA - Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA - Đang đàm phán

15 - RCEP - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - Đang đàm phán

16 - VIFTA - Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Isarel - Đang đàm phán



bottom of page