top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin - C/O) là gì?

Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin - C/O) là gì?

Nếu làm các nghiệp vụ hải quan, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa quốc tế, có lẽ C/O sẽ là giấy tờ tùy thân quan trọng nhất đối với mỗi doanh nghiệp và đơn vị vận chuyển để được thông quan qua các nước và được hưởng mức thuế phù hợp. Giống như một quyển hộ chiếu cho hàng hóa, C/O được công nhận ở 193 quốc gia trên thế giới và mỗi nước sẽ có một mẫu hộ chiếu khác nhau để đăng ký lưu thông hàng hóa.

1. Khái niệm giấy chứng nhận xuất xứ (C/O)?


C/O (Certificate of Origin): là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (tên người gửi, nước sản xuất, loại hàng hóa, …), cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại nước đó. C/O phải tuân thủ theo quy định của nước xuất khẩu và cả nước nhập khẩu về quy tắc xuất xứ và các hiệp định thương mại giữa các bên.


2. Công dụng của C/O


  • Ưu đãi thuế quan: 


khi xác định được xuất xứ của hàng hóa sẽ giúp phân biệt được đâu là hàng nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế, và áp dụng thỏa thuận thương mại nào giữa các quốc gia.


  • Áp dụng thuế chống phá giá và rào cản thuế quan: 


Trong các trường hợp khi hàng hóa của một nước được xác định là mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường khác. Việc xác định được xuất xứ, cũng giúp cho các nước xác định hành động chống phá giá và áp dụng rào cản thuế quan hợp lý.


  • Thống kê thương mại giữa các nước: 


Việc xác định xuất xứ hỗ trợ đáng kể cho việc tổng hợp các số liệu thống kê thương mại đối với một nước hoặc đối với một khu vực. Trên cơ sở đó, các cơ quan thương mại sẽ xác định được những đối tác thương mại tiềm năng và xúc tiến các hiệp định thương mại.


3. Ý nghĩa của C/O


  • Chứng nhận xuất xứ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phân loại hàng hóa theo quy định hải quan của nước nhập khẩu


  • C/O cũng quan trọng cho áp dụng hạn ngạch, thuế nhập khẩu và phục vụ mục đích thống kê xuất nhập khẩu thường xuyên


  • Xác định liệu một lô hàng nhập khẩu có được hưởng các ưu đãi theo các khu vực thương mại như EU hay NAFTA, ASEAN, hay phải chịu biện pháp thuế chống phá giá được áp dụng.


  • Chống hàng giả, hàng buôn lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát các mặt hàng cấm xuất nhập khẩu


4. Nội dung cơ bản của C/O


Xuất phát từ mục đích, đặc điểm của C/O mà nội dung cơ bản của C/O phải thể hiện được các nội dung sau đây:


  • Mẫu form C/O: nhằm chứng minh rằng C/O được cấp theo một Quy tắc xuất xứ cụ thể tương ứng với từng quốc gia, hiệp định thương mại.


  • Tên, địa chỉ người xuất khẩu, nhập khẩu.


  • Tiêu chí về vận tải (tên phương tiện vận tải, cảng, địa điểm xếp hàng/ dỡ hàng, vận tải đơn…)


  • Tiêu chí về hàng hóa (tên hàng, bao bì, nhãn mác đóng gói hàng hóa, trọng lượng, số lượng, giá trị…)


  • Tiêu chí về xuất xứ hàng hoá (tiêu chí xác định xuất xứ, nước xuất xứ hàng hoá)


  • Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước cấp phép xuất khẩu


5. Phân loại C/O


Thông thường C/O được phân loại theo 2 cách sau đây:


  • C/O cấp trực tiếp: C/O cấp trực tiếp bởi nước xuất xứ, là nơi sản xuất ra hàng hóa đó.


  • C/O gián tiếp, hay gọi là C/O giáp lưng (back to back C/O): C/O cấp gián tiếp bởi nước mà hàng hóa đó xuất khẩu, không phải là nước xuất xứ. Nước xuất khẩu trong trường hợp này gọi là nước lai xứ


Lưu ý:


Về nguyên tắc, các nước chỉ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa có xuất xứ của quốc gia mình. Tuy nhiên thực tiễn thương mại cho thấy hàng hóa không  chỉ được xuất  khẩu trực tiếp tới nước  nhập  khẩu  cuối cùng (nơi  tiêu thụ  hàng  hóa)  mà có thể được xuất khẩu qua các nước trung gian. Việc xuất hiện các nước trung gian  có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể theo mạng lưới phân phối của nhà sản  xuất,  hoặc  do  hàng  hóa được mua đi bán lại qua các nước trung gian,… Để tạo thuận lợi cho các hoạt động này, một số nước có quy định hàng nhập khẩu vào nước mình  khi  xuất khẩu có thể được cấp C/O giáp lưng trên cơ sở C/O gốc của nước xuất xứ.


6. Một số mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ:


  • CO form A: hàng xuất khẩu sang các nước cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP.


  • CO form D: hàng xuất khẩu sang các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định CEPT.


  • CO form E: hàng xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc ngược lại và các nước ASEAN thuộc diện hưỡng ưu đãi thuế quan theo hiệp định ASEAN – Trung Quốc (ASEAN + 1).


  • CO form S: hàng xuất khẩu sang Lào thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định Việt Nam – Lào.


  • CO form AK: hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc hoặc ngược lại và các nước ASEAN thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định ASEAN – Hàn Quốc (ASEAN + 2).


  • CO form AJ: hàng xuất khẩu sang Nhật Bản hoặc ngược lại và các nước ASEAN thuộc diện hưỡng ưu đãi thuế quan theo hiệp định ASEAN – Nhật Bản (ASEAN + 3).


  • CO form GSTP: hàng xuất khẩu sang các nước tham gia hệ thống ưu đãi thương mại toàn cầu (GSTP) cho Việt Nam hưởng ưu đãi GSPT.


  • CO form B: hàng xuất khẩu sang tất cả các nước, cấp theo quy định xuất xứ không ưu đãi.


  • CO form ICO: cấp cho sản phẩm từ cà phê trồng và thu hoạch tại Việt Nam xuất khẩu sang tất cả các nước theo quy định của Tổ chức cà phê thế giới (ICO).


  • CO form Textile (gọi tắt là form T) cấp cho hàng dệt may xuất khẩu sang EU theo hiệp định dệt may Việt Nam – EU.


  • CO form Mexico: cấp cho hàng dệt may, giày dép xuất khẩu sang Mexico theo quy định của Mexico.


  • CO form Venezuela: cấp cho hàng xuất khẩu sang Venezuela theo quy định của Venezuela.


  • CO form Peru: cấp cho hàng giày dép xuất khẩu sang Peru theo quy định của Peru.


bottom of page