Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Độc quyền (Monopoly) là gì?

Độc quyền (Monopoly) là trạng thái thị trường mà ở đó duy nhất một nhà sản xuất cung cấp toàn bộ nguồn cung của một mặt hàng (hay còn gọi là độc quyền bán - độc quyền được bán một sản phẩm nào đó). Loại hình này là hình thức độc quyền thường gặp nhất. Tuy nhiên, độc quyền còn được chia ra làm một số loại hình độc quyền khác như độc quyền mua (Monopsony - nhiều người bán một sản phẩm nhưng chỉ có một người mua) và độc quyền nhóm (Oligopoly - độc quyền được nắm giữ bởi một nhóm thay vì một doanh nghiệp). Thị trường độc quyền (Monopoly) tồn tại ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đa phần có liên quan tới sở hữu nhà nước. Một số ngành nghề có liên quan đến thị trường độc quyền có thể kể đến như điện nước, buôn bán vũ khí và khai thác khoáng sản,…
Điều gì dẫn đến độc quyền?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất độc quyền:
Thứ nhất, độc quyền có thể xuất phát từ yếu tố sản xuất đầu vào. Một cá nhân, doanh nghiệp hoặc quốc gia nếu kiểm soát được các đầu vào như nguyên liệu, nhiên liệu,… sẽ trở thành một nhà độc quyền. Ví dụ: Nam Phi nắm giữ phần lớn trữ lượng kim cương trên thế giới nên nước này gần như độc quyền thị trường kim cương.
Thứ hai, độc quyền xuất phát từ vấn đề bản quyền. Bản quyền (được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp) sẽ giúp một cá nhân, doanh nghiệp nắm giữ quyền kiểm soát về kỹ thuật công nghệ và tạo rào cản cho các đối thủ vào sau. Ví dụ: Ngành dược phẩm sở hữu bản quyền sản xuất thuốc có thể lên tới 15 - 20 năm và do đó không có nhà sản xuất khác có thể sản xuất được các loại thuốc này trước khi bản quyền thuốc hết hạn.
Thứ ba, độc quyền xuất phát từ yếu tố tự nhiên hình thành trong quá trình doanh nghiệp phát triển (độc quyền tự nhiên). Trong trường hợp này, khi càng tăng quy mô sản xuất thì chi phí càng giảm. Vì vậy, một doanh nghiệp có được lợi thế này sẽ tạo rào cản gia nhập thị trường cho các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ: trong hoạt động thương mại điện tử, Amazon đang dần lấy vị thế độc quyền so với các đối thủ khác nhờ quy mô khách hàng lớn, và chi phí vận chuyển dần được tiết giảm, đàm phán được giá tốt hơn với những nhà cung cấp.
Thứ tư, độc quyền do chính phủ quy định. Trong trường hợp này, chính phủ cho rằng việc cung cấp độc quyền mang lại lợi ích cho xã hội. Ví dụ, ở một số nước Bắc Âu, nhà nước nắm quyền sản xuất đồ uống có cồn để đảm bảo sức khỏe cho người dân nên khiến thị trường này trở thành độc quyền. Ở Việt Nam, ngành điện do chính phủ quản lý và giao cho EVN độc quyền để đảm bảo điều tiết nguồn điện và giá điện một cách hợp lý.
Cuối cùng, độc quyền là kết quả của quá trình tự do cạnh tranh. Hiểu một cách đơn giản, độc quyền là kết quả của việc “cá lớn nuốt cá bé”, các doanh nghiệp yếu kém sẽ bị mua lại và sát nhập. Sau cùng, khi các doanh nghiệp gần như bị sát hết thì thị trường sẽ trở thành độc quyền.
Tại sao cần hạn chế độc quyền?
Độc quyền không được các quốc gia khuyến khích vì độc quyền có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Chẳng hạn như khi thị trường tồn tại một doanh nghiệp độc quyền thì người tiêu dùng sẽ phải trả một mức giá cao hơn để mua sản phẩm độc quyền. Hay nhờ vào sức mạnh độc quyền, doanh nghiệp độc quyền sẽ thu lợi nhuận nhiều hơn và khiến khoảng cách giàu nghèo tăng lên. Điều này khoét sâu vào tình trạng nghèo đói của quốc gia cũng như gây nên bất ổn trong xã hội (chẳng hạn tệ nạn xã hội, bạo động,…). Bên cạnh đó, độc quyền còn hạn chế khả năng đổi mới sang tạo công nghệ của nền kinh tế. Doanh nghiệp có quyền lực thị trường sẽ tìm mọi cách tạo rào cản gia nhập (chủ yếu là về giá) và không có động lực để phát triển công nghệ mới. Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ thì chính rào cản gia nhập sẽ bóp nghẹt các nguồn lực đầu vào cũng như làm hạn chế thị trường đầu ra, khiến có việc đổi mới sang tạo bị đình trệ và không phát triển.
Hãy nhìn về những năm 1990, khi lần đầu tiên Microsoft tung ra thị trường bộ sản phẩm Microsoft Office. Microsoft trở thành một doanh nghiệp độc quyền về sản phẩm công nghệ vào lúc bấy giờ và việc định giá sản phẩm phụ thuộc vào mong muốn của họ. Thật vậy, Microsoft Office lần đầu tiên được tung ra thị trường có giá 995$ trọn bộ và nếu mua riêng lẻ từng phần mềm thì phải trả tới 1485$. Nhưng với thời đại ngày nay, khi có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn và quyền lực thị trường của Microsoft giảm dần, các phần mềm của Microsoft đã được điều chỉnh một mức giá phù hợp với người tiêu dùng ( dao động khoảng 150$-250$) và giúp cho hầu hết mọi người có thể tiếp cận các phần mềm này.