Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign direct investment)

Đầu tư trực tiếp nước ngoài - viết tắt là FDI, loại hình đầu tư xuyên biên giới có tính chất dài hạn (thường trên 3 năm, kéo dài không quá 50 năm đối với đầu tư ngoài khu kinh tế và không quá 70 trong khu kinh tế), khi nhà đầu tư là tổ chức hoặc cá nhân ở một quốc gia đầu tư và nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp hay tập đoàn ở một quốc gia khác.
Hình thức của đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Hiện nay các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài phổ biến là:
Mua cổ phiếu có quyền biểu quyết tại công ty nước ngoài (thâu tóm cổ phần).
Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Liên doanh với mục đích thuận lợi cho việc đầu tư lĩnh vực mới hoặc thâm nhập vào một thị trường mới.
Thành lập một doanh nghiệp mới với 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Phân loại đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Các dự án FDI thường được phân loại theo mục đích đầu tư, mở rộng gồm: mở rộng theo chiều ngang (horizontal integration), chiều dọc (vertical integration), tập đoàn (conglomerate integration) và nền tảng (platform integration).
Đầu tư theo chiều ngang (horizontal integration): Các dự án FDI với mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại ra nước ngoài hoặc thâu tóm các công ty nước ngoài có hoạt động kinh doanh tương tự. Dễ thấy như McDonald có trụ sở tại Mỹ và mở rộng kinh doanh bằng hàng loạt chuỗi cửa hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Đầu tư theo chiều dọc (vertical integration): Các dự án FDI với mục đích mở rộng chuỗi giá trị sản xuất (ví dụ như mở rộng nguồn nguyên liệu, mở rộng công đoạn logistic hàng hóa) bằng cách thâu tóm công ty nước ngoài có liên quan. Ví dụ điển hình gần đây là tập đoàn thép Hòa Phát mua mỏ quặng sắt Roper Valley ở Australia để phục vụ cho việc sản xuất thép thành phẩm.
Tạo ra tập đoàn (conglomerate integration): Các dự án FDI với mục đích hình thành tập đoàn để mở rộng thêm một lĩnh vực kinh doanh không liên quan đến hoạt động hiện tại ở trong nước hoặc thâm nhập vào một thị trường hoàn toàn mới. Vì thế chưa có kinh nghiệm trước đó, các doanh nghiệp thường sẽ liên doanh với một công ty ở nước ngoài đã hoạt động trong ngành tạo thành liên doanh FDI. Ví dụ ở đây là thương vụ liên doanh giữa công ty Colgate-Palmolive có trụ sở tại Mỹ và Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải với sản phẩm kem đánh răng Dạ Lan tại Việt Nam.
Theo nền tảng (platform integration): nhà đầu tư đầu tư ra nước ngoài với mục đích làm đòn bẩy xuất khẩu sang nước thứ ba. Chẳng hạn như một doanh nghiệp tôm ở Hàn Quốc có thể đầu tư sản xuất tại Việt Nam để làm đòn bẩy tránh thuế xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang EU nhờ hiệp định thương mại EVFTA mà Việt Nam đang ký.
Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến nhà đầu tư và quốc gia nhận đầu tư sẽ như thế nào?
Đối với nhà đầu tư:
Ưu điểm:
Tận dụng được nguồn lực lao động và tài nguyên từ nhiều nước khác nhau.
Tránh được hàng rào bảo hộ (thuế quan và hạn ngạch) của một quốc gia bằng cách sản xuất trực tiếp ở quốc gia đó.
Nhà đầu tư có thể tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển sang một thị trường mới và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế.
Nhược điểm:
Mức độ rủi ro cao khi khoản đầu tư ra nước ngoài có thể phải chịu nhiều tác động từ bất ổn kinh tế, chính trị, xã hội ở quốc gia đó.
Khi xảy ra tổn thất, nhà đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, việc xử lý các tranh chấp đôi khi khó hơn và tốn kém hơn nhiều vì phải căn cứ vào pháp luật của quốc gia đó hoặc đưa ra tòa án quốc tế để tranh tụng.
Có thể xảy ra mâu thuẫn về luật pháp khi đầu tư ở nhiều quốc gia
Đối quốc gia nhận đầu tư:
Ưu điểm:
Kích thích tăng trưởng kinh tế, GDP quốc gia nhận đầu tư sẽ tăng lên đáng kể trong khi vay mượn được nguồn lực tài chính từ nước ngoài.
Một cách huy động vốn cho sản xuất mà không gây nợ chính phủ và có tính ổn định, lâu dài.
Cung cấp việc làm cho người lao động và giải quyết tình trạng thiếu việc làm trong nền kinh tế.
Tăng khả năng tiếp cận khoa học công nghệ cũng như nâng cao khả năng chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý khi được nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Tạo điều kiện khai thác các tiềm năng có sẵn, gia tăng lợi sản xuất, mở rộng sức cạnh tranh của một ngành nghề,... tại quốc gia nhận đầu tư.
Cải thiện cơ sở hạ tầng khi có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp FDI.
Nhược điểm:
Quy hoạch cơ cấu ngành kinh tế dễ mất cân đối khi FDI tham gia vào nền kinh tế nội địa nhưng chỉ tập trung vào một ngành nghề nhất định và thu hút hết lao động và nguồn lực của những ngành nghề khác.
Nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên, gia tăng ô nhiễm môi trường khi những doanh nghiệp FDI không được lựa chọn kỹ càng.
Nguy cơ tiếp nhận thiết bị công nghệ lạc hậu (vì mục đích sản xuất giá rẻ của các doanh nghiệp FDI) dẫn tới khoa học công nghệ của nước nhận đầu tư đi lùi và kinh tế trở nên sa sút.
Nguy cơ thiệt hại của các doanh nghiệp trong nước khi phải đối đầu với cách doanh nghiệp lớn từ nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi cùng với môi trường kinh doanh hấp dẫn đối với FDI như: Tình hình an ninh, chính trị ổn định, có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới, vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực châu Á. Vì vậy Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn FDI.
Dưới đây là 10 nước rót vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam theo đối tác (thống kê từ Cục đầu tư nước ngoài, lũy kế hiệu lực đến ngày 20/12/2020).