Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Đầu tư tăng trưởng (Growth Investing) là gì?

Đầu tư tăng trưởng là một chiến lược đầu tư khá phổ biến trên cả thị trường giao dịch chứng khoán quốc tế và cả thị trường Việt Nam. Philip A. Fisher - một nhà đầu tư tăng trưởng đại tài mà đến ngay cả Warren Buffett cũng đã từng thừa nhận, 15% phương pháp của ông học từ Philip Fisher - tác giả cuốn “Cổ phiếu Thường Lợi nhuận Phi Thường”. Vậy đầu tư tăng trưởng là chiến lược đầu tư như thế nào? Lý do gì khiến nó trở nên ưu thích với đại đa số các nhà đầu tư?
1. Đầu tư tăng trưởng là gì?
Đầu tư tăng trưởng là một phong cách và chiến lược đầu tư cổ phiếu được sử dụng phổ biến nhất, được khởi xướng bởi cha đẻ Thomas Rowe Price vào năm 1950 với quỹ đầu tư T. Rowe Price Associates. Đây là một chiến lược đầu tư chứng khoán tập trung chính vào sự tăng trưởng vốn của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư tăng trưởng thường sẽ lựa chọn đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng- tức là các công ty trẻ, công ty nhỏ có nguồn thu nhập dự kiến sẽ tăng với tốc độ trung bình so với ngành công nghiệp đang tham gia hoặc thị trường nói chung.
Đầu tư tăng trưởng rất hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư khi mua cổ phiếu ở những công ty mới nổi bởi thường lợi nhuận kinh tế họ mang lại rất ấn tượng (đối với những công ty đã thành công với việc tạo chỗ đứng cho mình trên thị trường). Tuy nhiên, thường những công ty mới như vậy vẫn chưa được thử nghiệm đối với các tác động của nền kinh tế nói chung và của thị trường chứng khoán nói riêng (như các chính sách đổi mới của chính phủ, các cuộc khủng hoảng kinh tế, thị trường giá xuống, giá lên,...) do đó thường tiềm ẩn rủi ro khá cao.
2. Tiêu chí lựa chọn công ty của các nhà đầu tư:
Các nhà đầu tư theo trường phái tăng trưởng tìm kiếm những công ty phù hợp 2 tiêu chí:
Tỷ lệ tăng trưởng về kết quả kinh doanh cao (ví dụ: doanh thu hoặc lợi nhuận tăng trên 10%/năm đối với công ty quy mô vừa và nhỏ, tăng từ 5 - 10% đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn)
Lịch sử tăng trưởng bền vững (ít nhất mức tăng trưởng đã duy trì được trên 2 - 3 năm). Họ sẵn sàng trả một mức định giá cao (cao hơn mặt bằng chung của ngành hoặc thậm chí cao đến phi lý) để nắm cổ phần trong những doanh nghiệp này và sẽ nắm giữ cho đến khi kết thúc chu kỳ tăng trưởng mạnh của doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư theo trường phái tăng trưởng sử dụng hầu hết thời gian để lựa chọn cổ phiếu phù hợp. Khi đã lựa chọn được cổ phiếu tăng trưởng để đầu tư, họ chỉ cần nắm giữ và đánh giá lại những cổ phiếu mỗi quý một lần để đảm bảo những ước tính về kết quả kinh doanh trước đó của họ vẫn đang đi đúng hướng và doanh nghiệp vẫn đang giữ được mức tăng trưởng tốt.
Ví dụ
Amazon Inc. với vốn hóa thị trường lên đến 1,757 nghìn tỷ USD (mã cổ phiếu: AMZN) từ lâu đã được coi là một cổ phiếu tăng trưởng điển hình. Tính đến năm 2021, Amazon vẫn là một trong những công ty lớn nhất trên thế giới và đã tồn tại trong một thời gian dài, đứng trong top ba cổ phiếu lớn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ về giá trị vốn hóa thị trường.
Cổ phiếu của Amazon trong lịch sử đã được giao dịch ở mức định giá rất cao với tỷ lệ giá cổ phiếu/lợi nhuận kinh doanh trên mỗi cổ phiếu (P/E) ở mức 60 đến 70 lần. Bất chấp quy mô của công ty đã trở nên rất lớn, ước tính tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong 5 năm tới vẫn dao động gần 30% mỗi năm.
Khi một công ty được kỳ vọng sẽ tăng trưởng như Amazon, mức định giá cao hiện tại không đáng quan ngại, vì chỉ trong vài năm tới, giá cổ phiếu sẽ trông rất rẻ nhờ mức tăng trưởng cao hiện tại. Rủi ro chính khi đầu tư theo cách này là có thể tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp được dự báo trước đó sẽ không tiếp tục như mong đợi do yếu tố về thị trường, sự bùng nổ của đối thủ hoặc một sự kiện bất ngờ nào đó. Nếu kịch bản tăng trưởng cao không xảy ra, các cổ phiếu tăng trưởng lúc này sẽ trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết và giá cổ phiếu có thể sụt giảm mạnh trong thời gian ngắn.