Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Chính sách tiền tệ (Monetary policy)

Chính sách tiền tệ là một trong những chính sách kinh tế cơ bản để kiểm soát vấn đề kinh tế vĩ mô (lạm phát, thất nghiệp, tăng trưởng,...) nhằm ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thông qua công cụ của hoạt động tín dụng và ngoại hối dưới sự điều tiết của ngân hàng trung ương. Vậy chính sách tiền tệ được dùng để làm gì, và có những công cụ thực thi chính sách tiền tệ nào?
Như thế nào là chính sách tiền tệ?
Chính sách tiền tệ là một trong những chính sách kinh tế cơ bản để kiểm soát vấn đề kinh tế vĩ mô (lạm phát, thất nghiệp, tăng trưởng,...) nhằm ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thông qua công cụ của hoạt động tín dụng và ngoại hối dưới sự điều tiết của ngân hàng trung ương.
Chính sách tiền tệ điều chỉnh lượng cung tiền trong nền kinh tế tùy theo thực trạng và bằng những công cụ khác nhau. Hiểu đơn giản là khi nền kinh tế có lượng tiền lưu thông tăng lên thì cá nhân và doanh nghiệp sẽ có nhiều tiền để chi tiêu và đầu tư hơn, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ngược lại, lượng tiền lưu thông giảm sẽ dẫn tới cá nhân & doanh nghiệp hạn chế đầu tư, chi tiêu, giúp kiềm chế sự phát triển quá nóng của nền kinh tế.
Công cụ thực thi chính sách tiền tệ
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Required reserve ratio): là tỷ lệ tiền mặt mà các Ngân hàng thương mại phải ký quỹ dự trữ tại Ngân hàng Trung ương nhằm đề phòng rủi ro các ngân hàng thương mại cho vay quá mức hoặc đối phó với một số trường hợp như lạm phát cao hoặc thiếu thanh khoản. Ngân hàng trung ương thường yêu cầu các ngân hàng thương mại đảm bảo một tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo chính sách tiền tệ từ tình hình thực tế của nền kinh tế. Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc thay đổi thì cung tiền sẽ thay đổi.
Lãi suất chiết khấu (Bank rate) - lãi suất mà ngân hàng trung ương đánh vào các khoản tiền cho các ngân hàng thương mại vay để đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngắn hạn hoặc bất thường của các ngân hàng này. Nếu lãi suất chiết khấu tăng sẽ khiến chi phí vốn của các ngân hàng thương mại tăng lên do vốn vay từ Ngân hàng Trung Ương đắt đỏ hơn, do đó ngân hàng thương mại sẽ ngừng bổ sung thêm vốn, dẫn tới lượng tiền dự trữ và cho vay ở các ngân hàng thương mại sẽ giảm, và làm thay đổi lượng cung tiền trong nền kinh tế. Ngoài ra nó cũng ảnh hưởng đến lãi suất của các hình thức vay khác bao gồm các khoản vay cá nhân, thế chấp và lãi suất trên thẻ tín dụng do những khoản lãi suất này thường được dựa vào lãi suất chiết khấu của ngân hàng trung ương.
Nghiệp vụ thị trường mở (Open market operation): Công cụ này giúp ngân hàng trung ương điều tiết lượng tiền trong nền kinh tế thông qua mua hoặc bán ra những giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, …) để huy động vốn như một cách thức để thu hồi tiền đang lưu hành về kho bạc nhà nước. Lúc này lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế cũng sẽ ít đi.
Các loại chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ mở rộng (Expansionary Monetary Policy):
Chính sách này áp dụng để tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế, khuyến khích hoạt động đầu tư, chi tiêu mở rộng hoạt động kinh tế khi nền kinh tế đang rơi vào tình trạng suy thoái.
Chính sách này được thực hiện bằng cách:
Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Đồng nghĩa với việc lượng tiền trong nền kinh tế tăng lên giúp tăng cầu, mở rộng hoạt động kinh tế.
Hạ lãi suất chiết khấu: Ngân hàng thương mại lúc này sẽ có thể giảm lãi suất cho vay để khuyến khích đầu tư, chi tiêu nhờ được bổ sung nguồn vốn cho vay bằng nguồn vốn chi phí rẻ từ ngân hàng Trung ương.
Mua giấy tờ có giá: Ngân hàng trung ương rót vào nền kinh tế một lượng tiền sau khi mua lại những giấy tờ có giá đã phát hành trước đó từ nhà đầu tư hoặc mua giấy tờ có giá được phát hành bởi ngân hàng thương mại để bơm vốn cho nền kinh tế
Chính sách thắt chặt tiền tệ (Tight Monetary Policy)
Áp dụng với mục đích giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế để hạn chế đầu tư chi tiêu khi nền kinh tế đang tăng trưởng quá nóng, hoặc để kiềm chế lạm phát tăng nhanh.
Chính sách này được thực hiện bằng cách:
Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tăng lãi suất chiết khấu
Bán giấy tờ có giá: Ngược lại với mua giấy tờ có giá, việc bán ra giấy tờ có giá nhằm huy động vốn ngược lại từ ngân hàng thương mại và nhà đầu tư khiến lượng tiền lưu thông giảm xuống
Hạn chế của chính sách tiền tệ
Ngoài những tác dụng đối với nền kinh tế, chính sách tiền tệ có nhiều mặt hạn chế nếu như không được áp dụng đúng cách:
Khi thực hiện chính sách mở rộng tiền tệ, nếu chính phủ không thận trọng kiểm soát việc in tiền thì rất dễ xảy ra tình trạng lạm phát.
Chính sách tiền tệ mở rộng làm giảm lãi suất, khiến cho nhiều cá nhân không muốn gửi tiền vào ngân hàng. Do đó, ngân hàng thương mại rơi vào tình trạng thiếu vốn cho vay khiến đầu tư tư nhân không thể mở rộng, làm giảm hiệu quả của chính sách.
Chính sách tiền tệ thắt chặt có mục đích làm giảm lạm phát. Tuy nhiên, khi lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tăng lên quá cao và tác động vào chi phí huy động vốn của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ sản xuất đắt đỏ hơn và các mặt hàng sẽ tăng giá để bù đắp cho chi phí, dẫn tới lạm phát tăng trở lại.
Chính sách thắt chặt tiền tệ giúp kiểm soát lạm phát, nhưng điều này có thể dẫn đến sản xuất gặp khó khăn, thâm hụt ngân sách do thu được ít thuế hơn. Do đó, kết quả đánh đổi để kiểm soát lạm phát là suy thoái về kinh tế.