top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Chiến lược đầu tư cổ phiếu và lựa chọn doanh nghiệp (Stock Picking Strategy)

Chiến lược đầu tư cổ phiếu và lựa chọn doanh nghiệp (Stock Picking Strategy)

Có 3 chiến lược đầu tư cổ phiếu phổ biến là Đầu tư tăng trưởng (Growth Investing), Đầu tư giá trị (Value Investing) và Đầu tư theo đà tăng trưởng (Momentum Investing). Vậy điểm khác biệt giữa 3 chiến lược đầu tư này là gì, và các nhà đầu tư nên lựa chọn chiến lược nào cho doanh nghiệp của mình?

Đầu tư tăng trưởng (Growth Investing)


Đầu tư tăng trưởng là một phong cách và chiến lược đầu tư cổ phiếu được sử dụng phổ biến nhất, được khởi xướng bởi cha đẻ Thomas Rowe Price vào năm 1950 với quỹ đầu tư T. Rowe Price Associate. Các nhà đầu tư theo trường phái tăng trưởng tìm kiếm những công ty phù hợp 2 tiêu chí: (1) tỷ lệ tăng trưởng về kết quả kinh doanh cao (ví dụ: doanh thu hoặc lợi nhuận tăng trên 10%/năm đối với công ty quy mô vừa và nhỏ, tăng từ 5 - 10% đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn) và (2) lịch sử tăng trưởng bền vững (ít nhất mức tăng trưởng đã duy trì được trên 2 - 3 năm). Họ sẵn sàng trả một mức định giá cao (cao hơn mặt bằng chung của ngành hoặc thậm chí cao đến phi lý) để nắm cổ phần trong những doanh nghiệp này và sẽ nắm giữ cho đến khi kết thúc chu kỳ tăng trưởng mạnh của doanh nghiệp. 


Các nhà đầu tư theo trường phái tăng trưởng sử dụng hầu hết thời gian để lựa chọn cổ phiếu phù hợp. Khi đã lựa chọn được cổ phiếu tăng trưởng để đầu tư, họ chỉ cần nắm giữ và đánh giá lại những cổ phiếu một quý một lần để đảm bảo những ước tính về kết quả kinh doanh trước đó của họ vẫn đang đi đúng hướng và doanh nghiệp vẫn đang giữ được mức tăng trưởng tốt.


Ví dụ

Amazon Inc. (mã cổ phiếu: AMZN) từ lâu đã được coi là một cổ phiếu tăng trưởng điển hình. Tính đến năm 2021, Amazon vẫn là một trong những công ty lớn nhất trên thế giới và đã tồn tại trong một thời gian dài, đứng trong top ba cổ phiếu lớn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ về giá trị vốn hóa thị trường.


Cổ phiếu của Amazon trong lịch sử đã được giao dịch ở mức định giá rất cao với tỷ lệ giá cổ phiếu/lợi nhuận kinh doanh trên mỗi cổ phiếu (P/E) ở mức 60 đến 70 lần. Bất chấp quy mô của công ty đã trở nên rất lớn, ước tính tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong 5 năm tới vẫn dao động gần 30% mỗi năm.


Khi một công ty được kỳ vọng sẽ tăng trưởng như Amazon, mức định giá cao hiện tại không đáng quan ngại, vì chỉ trong vài năm tới, giá cổ phiếu sẽ trông rất rẻ nhờ mức tăng trưởng cao hiện tại. Rủi ro chính khi đầu tư theo cách này là có thể tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp được dự báo trước đó sẽ không tiếp tục như mong đợi do yếu tố về thị trường, sự bùng nổ của đối thủ hoặc một sự kiện bất ngờ nào đó. Nếu kịch bản tăng trưởng cao không xảy ra, các cổ phiếu tăng trưởng lúc này sẽ trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết và giá cổ phiếu có thể sụt giảm mạnh trong thời gian ngắn.


Đầu tư giá trị (Value Investing)


Đầu tư giá trị (Value investing) là một chiến lược nhằm tìm kiếm các cổ phiếu bị định giá thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp, nắm giữ cho đến khi giá cổ phiếu tăng trở lại và thể hiện đúng những giá trị đó. Chiến lược này được thiết kế bởi cha đẻ Benjamin Graham, người thầy của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, trong một bài giảng kinh tế tại trường Đại học kinh doanh Columbia vào năm 1920. Chiến lược đầu tư giá trị dài hạn yêu cầu nhà đầu tư phải có khả năng đánh giá doanh nghiệp thực chất đáng giá bao nhiêu, dựa trên các yếu tố chưa được thị trường biết đến như: lợi nhuận chưa được khai phá, giá trị của tài sản đang sở hữu, triển vọng nếu tái cấu trúc doanh nghiệp, bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ đáng giá….  Do đó, bạn cần phải có đầy đủ những kiến thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết về ngành, về doanh nghiệp đó, về mô hình kinh doanh và phải nắm chắc khả năng định giá tài sản và bóc tách các hoạt động bị ẩn đi. Vì những yếu tố này đòi hỏi thời gian và kiến thức để nghiên cứu rất sâu, thị trường thường sẽ định giá không chính xác giá trị của công ty. Vì vậy, các nhà đầu tư theo trường phái giá trị sẽ tận dụng những lúc thị trường phản ứng thái quá khi xuất hiện tin xấu hoặc những lúc thị trường lãng quên doanh nghiệp đó, dẫn đến biến động giá cổ phiếu không tương ứng với giá trị nội tại, sau đó nắm bắt cơ hội sinh lời bằng cách mua cổ phiếu với giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị thực của công ty.


Khi đã nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu giá trị, nhà đầu tư đó chỉ cần tung những thông tin mà mình đã nghiên cứu được để thị trường chú ý và qua đó giá cổ phiếu thường sẽ phản ứng tăng mạnh với những thông tin này. Đầu tư giá trị là một chiến lược đã được chứng minh là hiệu quả trong thời gian dài, mang lại nhiều lợi nhuận cho nhiều nhà đầu tư kỳ cựu khi tham gia thị trường chứng khoán. Trong đó, Warren Buffett có lẽ là nhà đầu tư giá trị nổi tiếng nhất hiện nay. Ngoài ra, Benjamin Graham (giáo sư và cố vấn của Buffet), David Dodd, Charlie Munger, Christopher Browne và Seth Klarman cũng là những bậc thầy theo đuổi đầu tư giá trị. Tuy nhiên đầu tư giá trị cần sự kiên nhẫn, đặc biệt trong khoản chọn lọc, tìm kiếm, đánh giá tỉ mỉ một công ty và có thể phải chờ đợi một thời gian dài (có khi tới 1 - 2 năm) để thị trường phản ánh đúng giá trị của cổ phiếu, trong khi thị trường lại biến động từng ngày, do đó không phải ai cũng có thể theo đuổi phong cách này.


Ví dụ

Các nhà đầu tư giá trị thường tìm cách lợi dụng phản ứng thái quá của thị trường trong những thời điểm công bố báo cáo tài chính một quý hoặc một năm để thâu tóm một cổ phiếu có nội tại doanh nghiệp tốt với giá rẻ. Như một ví dụ thực tế trong lịch sử, vào ngày 4 tháng 5 năm 2016, Fitbit - một công ty cung cấp các thiết bị điện tử theo dõi sức khỏe như đồng hồ đo nhịp tim, máy đếm bước đi, … - đã công bố báo cáo thu nhập Q1 năm 2016 gây thất vọng khi lợi nhuận giảm mạnh so với năm trước trong khi doanh thu vẫn đạt 505,4 triệu đô la, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là tín hiệu xấu khi Fitbit phải chịu áp lực cạnh tranh về giá quá lớn để giành thị phần hoặc đã chi ra quá nhiều chi phí để R&D sản phẩm và đã bán tháo cổ phiếu. Tuy nhiên, những nhà đầu tư giá trị lại hiểu rất rõ rằng lợi nhuận quý đầu giảm chỉ do việc hạch toán chi phí R&D nhất thời và các chỉ số tài chính khác của Fitbit vẫn đang ở mức rất tốt. Sau đợt bán tháo khi giá cổ phiếu giảm 20%, họ đã gom dần cổ phiếu của Fitbit ở mức rất thấp. Những quý sau đó, đúng như dự đoán, kết quả kinh doanh của Fitbit không chỉ hồi phục mà thậm chí còn tăng mạnh trong cả năm 2016 và giá cổ phiếu đã tăng gấp 2 lần từ mức đáy được thiết lập trước đó. Nhiều nhà đầu tư theo trường phái giá trị đã kiếm được rất nhiều từ thương vụ này.


Đầu tư theo đà tăng trưởng (Momentum Investing)


Đầu tư theo đà tăng trưởng là một chiến lược đầu tư trong đó các nhà đầu tư mua những chứng khoán đang tăng mạnh và bán chúng khi chúng có vẻ đã đạt đến đỉnh. Mục đích của chiến lược này là kiếm lời từ sự biến động ngắn hạn bằng cách tìm cơ hội mua trong các xu hướng tăng giá ngắn hạn của một cổ phiếu vì một yếu tố bất ngờ nào đó (ví dụ công ty trúng thầu hợp đồng lớn, kết quả kinh doanh đột biến, công ty công bố ra mắt sản phẩm mới) và sau đó bán ra khi chứng khoán bắt đầu kết thúc đợt tăng giá ngắn hạn. Sau đó, nhà đầu lại tìm kiếm xu hướng tăng ngắn hạn tiếp và lặp lại quá trình. Đầu tư theo đà tăng trưởng (momentum investing) khác biệt so với trường phái đầu tư tăng trưởng (growth investing) ở chỗ đầu tư theo đà tăng trưởng không đòi hỏi một cổ phiếu phải có những yếu tố tăng trưởng bền vững, mà chỉ quan tâm tới những tin tức ngắn hạn có thể tác động đến giá cổ phiếu. Do đó, việc chọn lựa cổ phiếu đối với trường phái này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.


Các nhà giao dịch theo trường phái đà tăng trưởng có kinh nghiệm sẽ hiểu rõ khi nào nên tham gia, nắm giữ trong bao lâu và khi nào thì nên bán ra; và họ cũng có phản ứng nhanh nhạy hơn với các đợt tăng đột biến hoặc bán tháo ngắn hạn, dựa trên nhiều nguồn tin tức khác nhau. Rủi ro chính của giao dịch theo đà tăng trưởng bao gồm mua vào quá sớm, bán ra quá muộn và bị phân tâm và bỏ lỡ các xu hướng chính và sai lệch trong phân tích kỹ thuật.


Ví dụ

Chúng ta đều biết về Moderna. Với tầm quan trọng của vắc xin trong đại dịch đang diễn ra, Moderna trở nên rất phổ biến và giá cổ phiếu theo đó cũng tăng mạnh, các nhà phân tích sẽ rất khó dự đoán chính xác giá cổ phiếu Moderna sẽ tăng đến đâu. Nhiều báo cáo phân tích cho rằng giá trị hợp lý là $188/cổ phiếu, mức định giá cao nhất là $299/cổ phiếu. Nhưng giá cổ phiếu của Moderna đã dễ dàng vượt qua những mốc định giá này. Những nhà đầu tư theo đà tăng trưởng sẽ không phân tích quá nhiều mà sẽ bám theo những tin tức về hiệu quả vắc xin của Moderna và nắm giữ cho đến khi nào cho rằng tin tức đã trở nên hết phổ biến và giá cổ phiếu đã hết động lực để đi lên.

bottom of page