Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Căn bệnh Hà Lan (Dutch Disease) là gì?

Thuật ngữ “Căn bệnh Hà Lan” lần đầu được đề cập bởi tạp chí The Economist vào năm 1977. Thuật ngữ này dùng để ám chỉ tình trạng trì trệ của nền kinh tế Hà Lan sau khi phát hiện được một mỏ khí gas lớn ở vùng biển phía bắc, và từ đó dần được sử dụng rộng rãi. Vậy Thuật ngữ “Căn bệnh Hà Lan” (Dutch Disease) là gì? Tác động và giải pháp của căn bệnh này như thế nào?
Căn bệnh Hà Lan (Dutch Disease) là gì?
Căn bệnh Hà Lan mô tả một hiện tượng kinh tế trong đó sự phát triển nhanh chóng của một lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản (do một sự kiện nào đó như phát hiện ra mỏ dầu hoặc mỏ tài nguyên lớn) dẫn đến sự suy giảm và chậm phát triển ở các lĩnh vực sản xuất khác.
Nguồn gốc Căn bệnh Hà Lan
Thuật ngữ “Căn bệnh Hà Lan” lần đầu được đề cập bởi tạp chí The Economist vào năm 1977. Thuật ngữ này dùng để ám chỉ tình trạng trì trệ của nền kinh tế Hà Lan sau khi phát hiện được một mỏ khí gas lớn ở vùng biển phía bắc. Cụ thể, với tài nguyên thiên nhiên mới tìm thấy, Hà Lan đã tập trung khai thác và xuất khẩu một lượng lớn khí đốt. Điều này thúc đẩy dòng ngoại tệ chảy vào quốc gia và làm giá đồng nội tệ của Hà Lan lên cao. Việc đồng nội tệ lên giá đã khiến xuất khẩu của Hà Lan giảm, cũng như các hàng hóa khác bị mất sức cạnh tranh, và cuối cùng, đưa Hà Lan vào tình trạng trì trệ về tăng trưởng kinh tế.
Tác động của căn bệnh Hà Lan
Căn bệnh Hà Lan tác động đến nền kinh tế dưới hậu quả là giá đồng nội tệ tăng ảnh hưởng đến xuất khẩu, giảm sự cạnh tranh của tất cả các hoạt động sản xuất ngoài hoạt động khai khoáng và gia tăng nhập khẩu hàng hóa. Các nhà kinh tế cho rằng khi xuất khẩu tài nguyên tăng vọt trong một thời gian ngắn, đồng nội tệ của nước đó sẽ tăng giá mạnh, ảnh hưởng tới các hoạt động xuất khẩu của các lĩnh vực khác.
Đồng thời, khi một nhóm ngành như ngành khai thác có sự tăng trưởng đột biến, lao động sẽ từ các nhóm ngành sản xuất khác di chuyển sang nhóm ngành khai thác và do đó khiến các ngành sản xuất khác bị thiệt hại.
Cuối cùng, cùng với thu nhập của lao động ở các ngành khai thác tăng lên và hàng hóa trong nước lại thiếu hụt do các ngành sản xuất khác không phát triển, người tiêu dùng sẽ có chuyển sang dùng hàng ngoại và nhập khẩu bắt đầu tăng cao. Cuối cùng, các mặt hàng tiêu thụ trong nước tăng giá và gây áp lực lạm phát cho nền kinh tế.
Giải pháp khắc phục Căn bệnh Hà Lan
Các nhà hoạch định kinh tế cần phải bảo vệ những lĩnh vực kinh tế yếu hơn bằng những chính sách ưu đãi thuế, hoặc tăng thuế cho lĩnh vực khai thác, và đồng thời can thiệp vào tỷ giá ngoại tệ để ổn định tình hình xuất nhập khẩu, chống lại tác động của "căn bệnh Hà Lan". Mục tiêu là đa dạng hóa các ngành sản xuất và xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào ngành khai thác, đặc biệt trong một số trường hợp giá các tài nguyên sẽ giảm mạnh, ảnh hưởng tới nền kinh tế của quốc gia đó.