Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Các cách đầu tư chứng khoán phổ biến

Có 3 cách đầu từ chứng khoán phổ biến hiện nay, gồm: Tự đầu tư, Đầu tư được quản lý chuyên nghiệp bởi các chuyên gia chứng khoán và Robot cố vấn đầu tư. Vậy ưu điểm và nhược điểm của các cách đầu tư này là gì? Các kiểu đầu tư sẽ phù hợp với những ai?
Tự đầu tư
Tự đầu tư là một phương pháp mà các nhà đầu tư cá nhân chọn thiết lập và quản lý danh mục đầu tư của riêng họ, hay còn được gọi là đầu tư tự định hướng. Ở Việt Nam, đây là cách được nhiều nhà đầu tư cá nhân sử dụng, nhưng bởi lẽ họ là những nhà đầu tư cá nhân tự phát nên chưa có nhiều kiến thức chuyên môn để phân tích cũng như đánh giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân hiện nay đã có thể có nhiều nguồn phân tích, tham khảo từ các công ty chứng khoán, các công ty nghiên cứu thị trường, những tài liệu trong lĩnh vực đầu tư nên nguồn kiến thức có thể bổ sung dễ dàng hơn và việc tự đầu tư do đó cũng bớt phức tạp hơn.
Ưu điểm:
Tự đầu tư có thể giúp các nhà đầu tư tiết kiệm đáng kể chi phí (như chi phí thuê chuyên gia). Nó cũng cho các nhà đầu tư sự độc lập để đưa ra quyết định đầu tư của riêng họ dựa vào thời gian, mức độ mạo hiểm và số vốn của từng người.
Nhược điểm:
Khi tự đầu tư, các cá nhân phải liên tục cập nhập tin tức, thực hiện các bước phân tích như phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật - điều này thường mất khá nhiều thời gian và cần kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn nhất định. Bởi lẽ theo ước tính trung bình, để tìm hiểu và đánh giá chính xác về một doanh nghiệp có công bố đẩy đủ thông tin cần mất 2 - 3 tháng, trong khi tìm hiểu kỹ về một ngành cần mất từ 6 tháng tới 1 năm. Hơn nữa, có hàng trăm nghìn mã chứng khoán khác nhau, việc lọc từng loại chứng khoán sao cho phù hợp với danh mục đầu tư của bản thân cũng là điều không đơn giản.
Đầu tư được quản lý chuyên nghiệp bởi các chuyên gia chứng khoán
Một số nhà đầu tư khác thì muốn các khoản đầu tư của mình được quản lý một cách chuyên nghiệp. Những nhà đầu tư này có thể đầu tư vào các quỹ đầu tư như quỹ đóng, quỹ mở hoặc thuê một người có chuyên môn về đầu tư chứng khoán để quản lý tài sản của mình. Các nhà quản lý tài sản thường tính phí khách hàng của họ theo tỷ lệ phần trăm tài sản được quản lý, theo tỷ lệ phần trăm khoản lợi nhuận thu được hoặc phí quản lý cố định hàng tháng, nhưng những nhà đầu tư như vậy không ngại trả tiền để đổi lấy sự thuận tiện khi giao việc nghiên cứu, ra quyết định đầu tư và giao dịch cho một chuyên gia.
Ưu điểm:
Thích hợp cho các nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm và kiến thức trong thị trường. Các nhà đầu tư sẽ không mất thời gian đi nghiên cứu các mã chứng khoán mà vẫn có danh mục đầu tư đa dạng trên. Mức rủi ro cũng có thể thấp hơn, vì các công ty quản lý quỹ đầu tư đều có nhiều chuyên gia về tài chính để theo dõi sát những biến động thị trường cũng như nắm bắt sâu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như từng ngành nghề nhất định.
Nhược điểm:
Mọi người không làm chủ được nguồn vốn của mình. Đôi khi họ sẽ không được cập nhật thường xuyên về những khoản đầu tư đã thực hiện, lợi nhuận ra sao, chiến lược đầu tư như thế nào và cũng không có khả năng can thiệp vào các quyết định của quỹ đầu tư. Thêm nữa, họ phải chia hoa hồng trích từ lợi nhuận trả cho các công ty quản lý quỹ. Hàng năm, nhà đầu tư đều phải chi trả thêm phí quản lý quỹ. Ví dụ như quỹ hiện tại, nhà đầu tư phải trả trung bình 1 - 2%/năm trên tổng giá trị tài sản ròng. Trong khi đó, nếu tự đầu tư, phí giao dịch chỉ chiếm chưa đến 0,1% trên giá trị giao dịch trong mỗi lần giao dịch.
Robot cố vấn đầu tư
Hiện nay, công nghệ đang phát triển một cách nhanh chóng, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Các nhà lập trình đã tận dụng AI trong lĩnh vực đầu tư. Trên thế giới, có những cố vấn robot nổi tiếng như Betterment, Wealthfront, Còn ở Việt nam có VIVA (công ty Cổ Phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM)).
Một số nhà đầu tư chọn đầu tư dựa trên các đề xuất từ các cố vấn tài chính tự động. Được hỗ trợ bởi các thuật toán và lý thuyết đầu tư - kinh tế học, phổ biến nhất là lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT) hoặc thuật toán mô phỏng chỉ số (ETF). Với ít hoặc không có sự can thiệp của con người, cố vấn robot cung cấp một cách đầu tư hiệu quả về chi phí với các dịch vụ tương tự như những gì mà cố vấn đầu tư do con người cung cấp. Cùng những tiến bộ trong công nghệ, cố vấn robot ngày càng tiến bộ hơn trong việc lựa chọn các khoản đầu tư sao cho phù hợp với từng nhà đầu tư. Chúng cũng có thể giúp mọi người phát triển các kế hoạch hưu trí và quản lý quỹ tín thác và các tài khoản hưu trí khác, và biết cách kết hợp nhiều loại tài sản tài chính khác nhau trên thị trường để tối ưu hóa lợi nhuận.
Ưu điểm:
Thay thế các cố vấn truyền thống, là những nhà tư vấn đầu tư với mức phí khá cao. Hầu hết các cố vấn robot đều tính phí cố định hàng năm từ 0,2% đến 0,5% trên tổng số dư tài khoản của khách hàng, thấp nếu so với tỷ lệ thông thường từ 1% đến 2% được tính bởi một chuyên viên lập kế hoạch tài chính. Cố vấn robot cũng dễ dàng tiếp cận hơn, vì chúng hoạt động ở mọi khung giờ và mọi khu vực địa lý miễn là người dùng có kết nối internet.
Nhược điểm:
Nhược điểm chính của việc sử dụng cố vấn robo đầu tư là nhà đầu tư có ít khả năng linh hoạt. Điều này là do cố vấn robot sẽ thay mặt họ xác định tài sản nào để đầu tư vào. Do đó, bản thân nhà đầu tư sẽ không thể thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu riêng lẻ vào danh mục đầu tư của mình. Không chỉ vậy, sẽ có những lời khuyên máy móc, nó được lập trình sẵn và hoạt động theo nhưng tiêu chuẩn đã có trước đó mà không tính tới một số yếu tố định tính như tâm lý nhà đầu tư, hiệu ứng đám đông,.... Việc robot có thể hiểu được sở thích và mức độ chấp nhận rủi ro của khách chỉ ở một mức độ tương đối. Từ đó dẫn đến việc lời khuyên của Robot cũng không hẳn lúc nào cũng phù hợp.