top of page

Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!

Bộ ba bất khả thi (Impossible Trinity)

Bộ ba bất khả thi (Impossible Trinity)

Bộ ba bất khả thi là tình huống mà một quốc gia ( trong nền kinh tế mở) bất kỳ chỉ có thể thực hiện được nhiều nhất là hai trong ba mục tiêu: ổn định tỷ giá, tự do hóa dòng vốn và thực hiện chính sách tiền tệ độc lập ( nghĩa là ngân hàng trung ương sẽ điều chỉnh cung tiền mà không cần quan tâm đến sự biến động tỷ giá và các biến số kinh tế vĩ mô khác). Hay nói cách khác là quốc gia này chỉ có thể theo đuổi hai đỉnh hoặc một cạnh duy nhất trong tam giác bất khả thi. Khi quốc gia chọn hai trong ba mục tiêu trên thì bắt buộc phải bỏ đi mục tiêu còn lại.

Các đỉnh trong tam giác bất khả thi phía trên đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình vĩ mô của từng quốc gia.


  • Đối với việc ổn định tỷ giá, quốc gia đó sẽ đảm bảo đồng nội tệ không mất giá, giảm gánh nặng nghĩa vụ nợ quốc tế, thúc đẩy thương mại và ổn định tâm lý của nhà đầu tư rằng họ có thể yên tâm giữ khoản đầu tư của mình tại đây mà không sợ mất đi giá trị.

  • Đối với việc tự do hóa dòng vốn, hội nhập kinh tế sẽ được thúc đẩy sâu rộng hơn do đồng tiền được trao đổi dễ dàng hơn, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho thị trường nội địa. Bên cạnh đó, nhờ vào dòng vốn tự do, nhà đầu tư trong nước có nhu cầu đầu tư vào các thị trường nước ngoài sẽ bớt rủi ro hơn.

  • Đối với việc thực hiện chính sách tiền tệ độc lập, Ngân hàng Trung ương sẽ có quyền chi phối các công cụ để điều chỉnh chu kỳ kinh doanh, ổn định lạm phát và gia tăng việc làm. Nhìn về khía cạnh tài chính, việc thực hiện chính sách tiền tệ độc lập giúp cho Nhà nước điều chỉnh nền kinh tế một cách hiệu quả và kiểm soát hệ thống ngân hàng, tài chính tốt hơn nhằm phục vụ mục tiêu ổn định nền kinh tế.


Vì sao bộ ba này được coi là bất khả thi?


Tuy nhiên, việc thực hiện cùng lúc ba mục tiêu của tam giác bất khả thi là không thể. Giả sử rằng một quốc gia tự hóa dòng vốn và dòng ngoại tệ có thể chảy vào và chảy ra mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Trong trường hợp này, nếu như đồng thời theo đuổi mục đích kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách giảm nguồn cung tiền và khiến lãi suất tăng. Khi lãi suất tăng, dòng vốn di chuyển từ nơi có lãi suất thấp đến nơi có lãi suất cao, khiến đồng nội tệ được săn đón và lên giá, đồng thời cũng khiến tỷ giá thay đổi nhanh và mất ổn định. Do đó, Ngân hàng Trung ương cần mở rộng cung tiền để cân bằng lại thị trường tiền tệ và khiến chính sách tiền tệ ( giảm nguồn cung tiền) mất hiệu lực.


Như vậy có thể thấy, các hành vi của Ngân hàng Trung ương khiến cho ít nhất một mục tiêu không thể thực hiện được. Nếu Ngân hàng Trung ương dừng lại ở việc để tỷ giá thả nổi thì lúc này chính sách tiền tệ sẽ có hiệu lực, nhưng ngược lại, nếu Ngân hàng Trung ương theo đuổi tỷ giá cố định thì chính sách tiền tệ sẽ không còn nhiều tác dụng.


Hãy lấy một vài ví dụ thực tế. Chẳng hạn như Trung Quốc, quốc gia này đang theo đuổi cơ chế tỷ giá cố định và chính sách tiền tệ độc lập, vì vậy bắt buộc Trung Quốc phải kiểm soát dòng vốn nhằm giữ sự hiệu quả của chính sách. Đây là mô hình hầu hết được các nước Đông Nam Á áp dụng, trong đó có Việt Nam, vì cố định tỷ giá giúp duy trì ổn định sản xuất và độc lập về chính sách tiền tệ để giúp các nước chống lại lạm phát, trong khi tự do về dòng vốn có thể được từ bỏ để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính giống như năm 1997 xảy ra. Nhìn sang một khía cạnh khác của tam giác bất khả thi là Mỹ, hiện nay Mỹ cho phép dòng vốn tự do ra vào trong nước và thực hiện rất nhiều chính sách tiền tệ độc lập từ FED, nhưng đổi lại là Mỹ phải để đồng USD thả nổi trên thị trường quốc tế. Cạnh còn lại của tam giác là giữ ổn định về tỷ giá và cho phép dòng vốn tự do thì có ít ví dụ hơn, và số lượng quốc gia theo đuổi hai mục tiêu này cũng không nhiều, có thể kể đến là Anh và Hong Kong. Ở khía cạnh này, chính phủ sẽ phải "buông tay" cho nền kinh tế tự do vận động, nên nhiều chính phủ không thích điều này vì sự bị động trong những tình huống bất ngờ của nền kinh tế.

bottom of page