Tìm hiểu hơn 1,000 thuật ngữ kinh tế được giải thích dễ hiểu và những khóa học về kinh tế tài chính. Đăng ký ngay để được miễn phí giải đáp câu hỏi về tài chính kinh tế!
Bẫy dân số (Population trap) là gì? Vì sao nhiều nước cố gắng hạn chế tỷ lệ sinh con?

Bẫy dân số là tình trạng tốc độ gia tăng dân số cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, vì vậy khiến cho thu nhập bình quân đầu người giảm dần và khiến nảy sinh nhiều vấn đề xã hội ( như đói nghèo, tệ nạn xã hội, bệnh tật và chậm phát triển,...)
Hiểu thêm về bẫy dân số
Khi thu nhập của người lao động tăng vượt một mức chi phí sinh hoạt tối thiểu nào đó, họ sẽ có mong muốn lập gia đình và sinh con nhiều hơn. Đến lúc này, tốc độ gia tăng dân số sẽ chuyển sang phụ thuộc vào bản chất của con người (không còn bị giới hạn bởi thu nhập) và dân số bắt đầu gia tăng nhanh hơn trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế thì vẫn còn chậm vì cần thời gian tích lũy các nguồn lực. Điều này dẫn đến thiếu công ăn việc làm, mức lương của mỗi người lao động suy giảm trở lại và tình trạng đói nghèo tái diễn. Do vậy đi kèm với dân số tăng thì cần chính phủ phải mạnh mẽ cải cách kinh tế, kể cả gia tăng vay nợ (mượn nguồn lực bên ngoài) để thoát khỏi bẫy dân số.
Hậu quả thực tế từ bẫy dân số
Ở các nước châu Phi, sự gia tăng dân số quá nhanh gây áp lực lên nền kinh tế và các hệ thống an sinh xã hội. Các khu vực y tế công cộng và hệ thống trường học không kịp mở rộng. Đồng thời, cơ cấu dân số có quá nhiều trẻ em sẽ gây ra tình trạng lao động dưới tuổi vị thành viên và nhiều tệ nạn nảy sinh.
Ở Việt Nam, chính phủ cũng cố gắng điều tiết dân số bằng cách thực hiện kế hoạch hóa gia đình trên toàn quốc. Sau nhiều năm thực hiện, với khẩu hiệu "mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con", tỉ suất sinh trên cả nước đã giảm đáng kể từ 2,33 (1999) xuống 2,03 (2009) cho đến 2,01 như hiện nay.
Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối về tác động của sự gia tăng dân số, bẫy dân số vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay. Lịch sử cho thấy các nước đang phát triển cần một cuộc cách mạng công nghiệp đủ nhanh, kiểm soát dân số ở mức hợp lý và hạn chế khai thác quá mức tài nguyên. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ gia tăng dân số của thế giới đã có xu hướng giảm và đến năm 2020 con số này chỉ hơn 1%. Các số liệu này mang lại nhiều triển vọng cho việc thoát khỏi bẫy dân số ở các quốc gia kém phát triển và thúc đẩy tăng trưởng ở quy mô toàn cầu.